Số liệu của CPI cho thấy 194 nhà báo trên toàn cầu phải ngồi tù vì bị cáo buộc chống nhà nước. Nhiều người trong số này bị buộc tội dựa theo các đạo luật chống khủng bố chung chung và mơ hồ. Ngoài ra, 35 nhà báo khắp thế giới bị bỏ tù mà không có bất cứ tội danh nào được công bố. Trong khi đó, số nhà báo bị tù giam vì buộc tội đưa "tin giả" đã tăng lên con số kỷ lục, 21 người.
CPI cho biết thêm 97% số nhà báo bị tù giam là người địa phương. 22 nhà báo ngồi tù là phụ nữ, chiếm 8%, trong khi có 75 trường hợp là nhà báo tự do, chiếm 29%. Cũng theo CPI, Iraq và Syria là những quốc gia chết chóc nhất đối với nhà báo trong năm 2017. Hơn nữa, phóng viên chính trị - chiếm 87% số người bị tù - là đối tượng có nguy cơ phải ngồi tù cao nhất.
Biểu tình bên ngoài tòa án ở Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi trả tự do cho các nhà báo bị cầm tù hôm 31-10 Ảnh: AP
Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục là quốc gia cầm tù nhiều nhà báo nhất, với 73 người, trong năm thứ hai liên tiếp. Trong năm ngoái, con số này là 81 người. Kênh al Jazeera cho biết trấn áp báo chí nằm trong chiến dịch mở rộng được chính quyền Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tiến hành sau khi xảy ra vụ đảo chính bất thành hồi tháng 6-2016. Theo CPI, nhiều nhà báo bị giam đối mặt cuộc điều tra hoặc bị buộc tội chống nhà nước. Ngoài ra, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ còn cáo buộc một số nhà báo có hoạt động khủng bố chỉ dựa trên việc họ sử dụng ứng dụng nhắn tin Bylock.
Xếp sau Thổ Nhĩ Kỳ là Trung Quốc và Ai Cập, với lần lượt 41 và 20 nhà báo bị bỏ tù. Hai con số này trong năm 2016 tương ứng là 38 và 25. Đặc biệt, trong số 20 nhà báo ngồi tù ở Ai Cập, 12 người chưa bị kết tội hoặc kết án về bất cứ tội danh nào.
Bình luận (0)