Thỏa thuận về “hiệp ước liên chính phủ” được 17 nước sử dụng đồng euro nhất trí ủng hộ và 6 nước EU khác tham gia, trừ nước Anh. Giới phân tích bình luận nhiều về “nguyên tắc vàng” của “hiệp ước liên chính phủ” là thắt chặt kỷ luật về ngân sách, xử phạt nặng nước nào để thâm hụt ngân sách quá 3% GDP và nợ công tương đương 60% GDP.
Sự can đảm của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy thể hiện đầy sức thuyết phục tại Hội nghị Brussels. Tại hội nghị, ông Sarkozy cảnh báo châu Âu đang đối mặt với hiểm họa chưa từng có do khủng hoảng nợ công và hội nghị lần này là cơ hội cuối cùng để cứu đồng euro. Ông nói: “Chưa bao giờ châu Âu nguy nan như bây giờ. Chưa bao giờ nguy cơ châu Âu tan vỡ lớn như hiện nay!”.
Các nhà quan sát cho rằng sức ép quốc tế đã phần nào tác động tới Hội nghị Brussels. Vài ngày trước hội nghị, cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s đã đe dọa hạ mức tín nhiệm tín dụng của 15/17 nước sử dụng đồng euro và nhiều ngân hàng lớn ở châu Âu, kể cả Pháp và Đức, trong 3 tháng tới nếu EU không tìm được giải pháp khẩn cấp khắc phục khủng hoảng nợ công.
Nhân dịp Hội nghị Brussels tìm giải pháp cứu đồng euro, nhiều chuyên gia kinh tế tên tuổi đã chỉ ra những nguyên nhân làm bùng nổ khủng hoảng nợ công và hiểm họa đồng euro “bị xóa sổ”. Theo CNN, bà Kirsky Hughes trong Ban Giám đốc Trường Đại học Oxford (Anh) nêu ra 10 sai lầm đe dọa số phận đồng euro, trong đó 5 sai lầm lớn nhất là: Châu Âu thiếu tầm nhìn xa và chiến lược chính trị, quyền lực không chia đều trong quan hệ giữa các nước thành viên, sao nhãng vai trò của EU trên trường quốc tế, thiếu những nước cờ chính trị khôn ngoan và quyền lợi của công dân không được đặt ở vị trí hàng đầu.
Bình luận (0)