"Trong 4 hoặc 5 ngày qua, số ca nhiễm mới đã tăng theo cấp số nhân tại Nam Phi" – Bộ trưởng Phaahla cho biết, đồng thời khẳng định biến thể mới nhiều khả năng là nguyên nhân.
Theo AP, các nhà khoa học ở Nam Phi đang làm việc để xác định tỉ lệ ca nhiễm gây ra bởi biến thể mới. Hiện được đặt tên là B.1.1.529, biến thể này cũng đã được phát hiện tại Botswana và Hồng Kông - Trung Quốc.
Chuyên gia Tulio de Oliveira của Mạng lưới Giám sát Gen ở Nam Phi cho biết biến thể mới có rất nhiều đột biến, trong đó có hơn 30 đột biến ở gai protein ảnh hưởng khả năng lây nhiễm.
"Chúng tôi có thể thấy đây là một biến thể có tiềm năng lây nhiễm rất nhanh. Trong vài ngày hoặc vài tuần tới, hệ thống y tế Nam Phi có thể đối mặt sức ép gia tăng" – ông de Oliveira khẳng định.
Cũng theo ông de Oliveira, tin tốt là B.1.1.529 có thể được phát hiện bằng xét nghiệm PCR. Biến thể này lây lan nhiều ở người trẻ tuổi.
Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla khẳng định biến thể B.1.1.529 là một mối đe dọa nghiêm trọng. Ảnh: IOL
Sau quãng thời gian ghi nhận tỉ lệ lây nhiễm tương đối thấp với khoảng 200 ca/ngày, số ca nhiễm mới ở Nam Phi vượt ngưỡng 1.200 ca vào ngày 24-11. Đến ngày 25-11, con số này tăng lên 2.465 ca.
Đợt bùng phát đầu tiên được ghi nhận ở TP Pretoria và TP Tshwane, dường như liên quan đến các trường đại học trong khu vực, theo Bộ trưởng Phaahla.
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng nhanh, các nhà khoa học đã nghiên cứu trình tự gen và phát hiện B.1.1.529. Viện quốc gia về các bệnh truyền nhiễm Nam Phi (NICD) cho biết quốc gia này đã ghi nhận 22 ca nhiễm liên quan đến B.1.1.529 sau quá trình giải trình tự gen.
"Đây rõ ràng là một biến thể mà chúng ta phải thật cẩn trọng. Biến thể này có nhiều đột biến ở gai protein có thể ảnh hưởng đến khả năng lây nhiễm và phản ứng miễn dịch" – chuyên gia Ravindra Gupta của Trường ĐH Cambridge (Anh) cảnh báo.
Theo ông Gupta, giới khoa học Nam Phi cần thời gian để xác định liệu B.1.1.529 có thực sự là nguyên nhân khiến số ca nhiễm mới tăng nhanh bất thường hay không. Ông Gupta khẳng định khả năng cao là như vậy.
Phản ứng của một phụ nữ khi được tiêm vắc-xin Pfizer gần TP Johannesburg - Nam Phi hôm 21-10. Ảnh: AP
Tại Nam Phi, khoảng 41% dân số trưởng thành đã được tiêm phòng Covid-19 và lượng vắc-xin được triển khai mỗi ngày đang ở mức tương đối thấp – chưa đến 130.000 mũi, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 300.000 mũi/ngày mà chính phủ đề ra.
Nam Phi, quốc gia có 60 triệu dân, đến giờ đã ghi nhận tổng cộng 2,9 triệu ca nhiễm và 89.000 ca tử vong vì Covid-19 kể từ khi đại dịch khởi phát.
Bình luận (0)