Ông Jamie McGoldrick cho rằng phản ứng khá chậm của cộng đồng quốc tế sau thảm họa động đất kép ở Nepal một phần do thế giới đang phải đối phó với nhiều cuộc khủng hoảng nhân đạo như ở Syria hoặc Yemen. Cũng theo lời quan chức Liên Hiệp Quốc này, các nhà tài trợ quốc tế hiện tập trung vào công tác tái thiết nhiều hơn là cung cấp lương thực, chỗ ở cho nạn nhân bị ảnh hưởng bởi động đất.
Dù vậy, ông McGoldrick kêu gọi sự quan tâm nhiều hơn đối với người sống sót sau thảm họa bởi mùa gió mùa từ tháng 6 đến tháng 9 đang đến gần, đe dọa gây ra mưa lớn tại những khu vực bị động đất tàn phá, khiến công tác khắc phục hậu quả thêm phức tạp.
Một người dân Nepal trơ trọi giữa hoang tàn hôm 25-5. Ảnh: AP
Quốc gia nghèo khó ở dãy Himalaya này đang đối mặt nhiều khó khăn sau thảm họa động đất kép. Một trận động đất 7,8 độ Richter xảy ra ngày 25-4, làm xáo trộn cuộc sống của gần 1/3 trong số 28 triệu dân. Đến ngày 12-5, trận động đất thứ hai, mạnh 7,3 độ Richter, khiến tình hình ngày càng tồi tệ và cản trở những nỗ lực viện trợ cho các nạn nhân ở vùng sâu vùng xa. Hơn 8.600 người thiệt mạng trong 2 trận động đất này.
Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế quyên góp 423 triệu USD để cung cấp cho khoảng 2 triệu người sống sót những nhu yếu phẩm, lều tạm, nhà vệ sinh công cộng trong vòng 3 tháng tới. Tuy nhiên, tính đến ngày 25-5, cơ quan này cho biết chỉ mới nhận được khoảng 92,4 triệu USD, tương đương 1/5 số tiền cần để cứu trợ nạn nhân động đất Nepal.
Cũng trong ngày 25-5, khoảng 200 người đã tập trung ở trung tâm thủ đô Kathmandu để nhớ nạn nhân động đất. “Chúng tôi đang ở đây để cầu nguyện những người thiệt mạng yên nghỉ và tự dặn lòng sẽ xây dựng lại đất nước” - sinh viên Suresh Niraula nói. Cùng ngày, nhóm 400 người nắm tay nhau để tạo thành một vòng tròn, cầu nguyện xung quanh khu vực nơi trước kia có tòa tháp cao nhất Nepal là Dharahara.
Bình luận (0)