Con số nạn nhân cao đột biến vì rượu giả khiến nhà chức trách khẩn trương tìm biện pháp cho bài toán khó này.
Tại quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới, rượu hợp pháp có giá cao nên không ít người tìm đến chợ đen để thỏa cơn thèm.
Giá của một chai rượu nhập khẩu rẻ nhất là 50 USD, bằng nửa tuần lương của 1 người lao động bình thường. Các loại bia có giá thấp hơn nhiều nhưng ngày càng khó mua bởi nhà chức trách siết chặt quy định bán loại thức uống này từ năm 2015 do áp lực từ các nhóm tôn giáo bảo thủ. Tất cả điều đó thúc đẩy thị trường chợ đen phát triển.
Cảnh sát tiêu hủy rượu bất hợp pháp ở đồn cảnh sát Tangerang, thủ đô Jakarta - Indonesia Ảnh: ABC NEWS
Bên cạnh rượu nhập, trên thị trường chợ đen còn bán một số loại rượu đóng chai giá rẻ song được tiêu thụ nhiều nhất là loại rượu pha có tên gọi "oplosan", bày bán nhiều tại các tiệm ven đường. Chúng có giá rẻ và luôn sẵn hàng, thường đựng trong túi nhựa kèm ống hút.
Theo đài ABC News (Úc), oplosan có thể xem là loại cocktail mạnh chứa nhiều thành phần: đồ uống có gaz, bia, rượu công nghiệp chứa methanol hoặc rượu mạnh được nấu từ sắn lên men.
Báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu chính sách Indonesia (CIPS) cho thấy 1/3 sinh viên đại học ở TP Bandung từng uống rượu "oplosan" và xu hướng này đang tăng lên.
Ông Sugianto Tandra, chuyên gia của CIPS, cho rằng việc giá rượu hợp pháp cao ngất ngưởng làm tăng nhu cầu đối với rượu tự pha chế giá rẻ, nguy hiểm, nên kêu gọi Jakarta giảm thuế đối với mặt hàng này.
Bình luận (0)