Tiếp tục chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, sáng 15-1, tại TP Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gặp gỡ và phát biểu với đông đảo đại diện các doanh nghiệp Trung Quốc.
Phát biểu tại cuộc gặp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh sự phát triển bền vững của mỗi nước và quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp Việt - Trung có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai nước. Hiện nay, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang trên đà phát triển lành mạnh, ổn định với những tiến triển tích cực trên các lĩnh vực.
Trung Quốc liên tục là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN. Tuy nhiên, nhu cầu và tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn. Hai bên cần tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác, vì lợi ích và sự phát triển của cả hai bên.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ và phát biểu với các doanh nghiệp Trung Quốc. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư nêu rõ Việt Nam coi trọng quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với Trung Quốc, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, góp phần vào sự phát triển của cả hai nước và củng cố hơn nữa quan hệ Việt - Trung.
Tổng Bí thư hoan nghênh các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam với các dự án áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; ưu tiên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; kết hợp hợp tác đầu tư với chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao… phù hợp với nhu cầu và chiến lược phát triển của Việt Nam.
Tổng Bí thư mong các doanh nghiệp hai bên tích cực đóng góp vào việc thúc đẩy phát triển thương mại cùng có lợi ngày càng cân bằng và lành mạnh giữa hai nước; đẩy mạnh hoạt động du lịch nhằm tăng cường giao lưu, hiểu biết và hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Theo TTXVN, trong phát biểu chào mừng, thay mặt chính quyền và nhân dân Chiết Giang, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Chiết Giang Lương Lê Minh cho biết tại cuộc gặp có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm phát triển quan hệ hợp tác đầu tư với Việt Nam. Hy vọng cuộc gặp sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp, địa phương hai bên trong các lĩnh vực công nghệ cao, logistics, sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản…, đồng thời tăng cường hữu nghị, giao lưu nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước.
Phó Tỉnh trưởng tỉnh Chiết Giang cho biết hiện có 26 doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Chiết Giang. Chiết Giang cũng có hơn 180 doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam với tổng số vốn hơn 1,6 tỉ USD.
Dịp này, Công ty Hoa Hạ Hạnh Phúc (Trung Quốc) và Công ty Thu Hà (Việt Nam) đã ký kết hợp đồng hợp tác phát triển khu đô thị sinh thái tại khu đô thị Hòa Lạc, Hà Nội.
Cũng tại TP Hàng Châu, Tổng Bí thư và đoàn đã tham quan Tập đoàn Vạn Sự Lợi - một doanh nghiệp hàng đầu của Chiết Giang và Trung Quốc, nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất tơ lụa.
Kiểm soát tốt bất đồng trên biển
Nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 12 đến 15-1, hai bên đã ra Thông cáo chung gồm 10 điểm chính. Trong đó, hai bên nhất trí cho rằng chuyến thăm đã thành công tốt đẹp, tăng cường tin cậy lẫn nhau, củng cố hơn nữa tình hữu nghị truyền thống Việt - Trung, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước và góp phần tích cực vào việc thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.
Hai bên khẳng định Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên trì phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”…; kiên trì tôn trọng lẫn nhau, tăng cường trao đổi chiến lược, tăng cường tin cậy chính trị, xử lý thỏa đáng bất đồng, làm sâu sắc thêm hợp tác cùng có lợi, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển liên tục, lành mạnh, ổn định...
Hai bên cũng nhất trí tiếp tục thực hiện toàn diện và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông” (DOC), trên cơ sở hiệp thương thống nhất, sớm xây dựng “Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông” (COC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; giữ gìn hòa bình, ổn định ở biển Đông.
Bình luận (0)