Nhận lời mời của nước Chủ tịch G20 (nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới) năm 2020 là Ả Rập Saudi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 theo hình thức trực tuyến trong 2 ngày 21 và 22-11. Tại hội nghị thượng đỉnh lần này, lãnh đạo các nước sẽ tập trung thảo luận về hợp tác ứng phó dịch Covid-19, thương mại đầu tư, kinh tế số và phát triển bền vững.
Theo TTXVN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự cả hai phiên thảo luận của hội nghị lần này với các chủ đề: "Vượt qua đại dịch, phục hồi tăng trưởng và việc làm" và "Xây dựng tương lai bền vững, bao trùm và có khả năng chống chịu". Việt Nam tham dự hội nghị lần này nhằm các mục tiêu: Truyền thông điệp về kết quả của Việt Nam trong ứng phó dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, khẳng định hình ảnh phát triển năng động, khả năng thích ứng, cởi mở, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; thúc đẩy các nội dung phù hợp với lợi ích của Việt Nam, thể hiện tinh thần xây dựng và đóng góp tích cực, trách nhiệm vào các vấn đề quản trị kinh tế toàn cầu; góp phần nâng cao hơn nữa vị thế và vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) theo hình thức trực tuyến hôm 21-11 Ảnh: TTXVN
Năm nay, là nước Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam được nước Chủ tịch G20 Ả Rập Saudi mời tham dự các hội nghị quan trọng của G20 như hội nghị cấp bộ trưởng trong các lĩnh vực ngoại giao, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giáo dục, y tế, kinh tế số, lao động - việc làm, môi trường, năng lượng, thương mại, du lịch… Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến đặc biệt G20 về ứng phó dịch Covid-19 vào ngày 26-3, qua đó đã khẳng định trách nhiệm, đóng góp của Việt Nam và ASEAN vào nỗ lực chung của quốc tế trong chống dịch Covid-19 cũng như truyền thông điệp về quyết tâm và kết quả chống dịch của Việt Nam. Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 là một hoạt động đối ngoại đa phương quan trọng của Việt Nam trong năm 2020, có ý nghĩa nhiều mặt về chính trị, đối ngoại và kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động sâu sắc đến kinh tế toàn cầu.
Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần đầu tiên vào năm 2010 với tư cách Chủ tịch ASEAN. Tại hội nghị này, Việt Nam đã đề xuất và thúc đẩy một số vấn đề được các nước đang phát triển, đặc biệt là ASEAN và Việt Nam, quan tâm như: biến đổi khí hậu, thương mại, phát triển… Sau đó, trên cương vị chủ nhà APEC năm 2017, Việt Nam được mời tham dự Hội nghị G20 và các hoạt động liên quan trong năm Đức làm chủ tịch. Việt Nam đã tích cực tham dự và đóng góp có trách nhiệm tại hội nghị cũng như trong quá trình tham gia các hoạt động của G20 trong năm, tạo được ấn tượng tốt đối với G20 và góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trong APEC 2017.
Tại Hội nghị G20 năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị G20 xây dựng khuôn khổ toàn cầu mới về thúc đẩy tự do thương mại, chuyển giao công nghệ các sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số và xem xét lập diễn đàn toàn cầu về khởi nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn tốt về khởi nghiệp sáng tạo. Nhiều ý kiến đóng góp của Việt Nam đã được G20 ghi nhận trong Tuyên bố chung như đề cao hợp tác quốc tế trong xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu, phát triển bao trùm và bền vững, nông nghiệp và an ninh nguồn nước, việc làm trong kinh tế số… Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phối hợp, thúc đẩy lợi ích và quan tâm chung của các nước đang phát triển trong nghị sự kinh tế toàn cầu như thương mại - đầu tư quốc tế, chống biến đổi khí hậu, cải cách quản trị kinh tế - tài chính toàn cầu…
Khách mời đặc biệt
Tại Hội nghị G20 năm 2019, nước chủ nhà Nhật Bản mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 với tư cách là một trong 8 khách mời đặc biệt. Theo đó, Việt Nam tham dự các hội nghị và cuộc họp trong khuôn khổ G20 năm 2019, tham gia thảo luận tại tất cả các phiên họp của hội nghị thượng đỉnh và đóng góp ý kiến cho dự thảo Tuyên bố chung của hội nghị.
Bình luận (0)