Một đợt nắng nóng gay gắt và chết người đang càn quét châu Âu, đẩy nhiệt độ lên cao kỷ lục và gây lo ngại nghiêm trọng đối với sức khỏe của người dân, đặc biệt là khi lục địa già đón một lượng lớn du khách.
Nhiều khu vực ở Tây Ban Nha, Pháp, Hy Lạp, Croatia và Ý đều đang đối mặt cái nóng khắc nghiệt khi nhiệt độ tăng lên trên 40 độ C. Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết: "Tình trạng này chỉ mới bắt đầu. Nắng nóng sẽ còn gay gắt và kéo dài".
Ở Ý, nhiệt độ có thể đạt mức cao kỷ lục mới. Theo ESA, nhiệt độ ở các vùng Sardinia và Sicily dự kiến cao gần mức kỷ lục hiện tại của châu Âu là 48,8 độ C. Tại thủ đô Rome, một số du khách đã ngất xỉu trong tuần này do say nắng.
Trong khi đó, hàng chục lính cứu hỏa Croatia được triển khai để dập tắt đám cháy rừng lớn bùng phát gần Grebastica, thị trấn nhỏ kế cận thành phố ven biển Sbenik. Nhiệt độ dự kiến duy trì ở mức khoảng 40 độ C trên toàn khu vực vào tuần tới.
Du khách dưới cái nắng gay gắt ở Athens - Hy Lạp hôm 14-7 Ảnh: REUTERS
Châu Âu không phải là nơi duy nhất chịu cảnh này. Đợt nắng nóng nguy hiểm kéo dài nhiều tuần ở các vùng phía Tây Mỹ trở nên tồi tệ hơn vào cuối tuần này. Hơn 90 triệu người được cảnh báo đối mặt với nhiệt độ cao.
Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ nói với đài CNN rằng nhiệt độ tại Thung lũng Chết ở bang California, nơi nóng nhất trên trái đất, có thể lên tới 54,4 độ C trong ngày 16-7. Cũng theo CNN, nắng nóng nguy hiểm kéo dài nhiều tuần qua ở các bang Texas, Florida và Arizona đã buộc nhiều doanh nghiệp và công viên phải đóng cửa hoặc điều chỉnh giờ hoạt động.
Đáng chú ý, nhiệt độ ở TP Phoenix thuộc bang Arizona chạm mức 43 độ C trong ngày thứ 14 liên tiếp hôm 14-7. Khoảng thời gian dài nhất mà TP Phoenix chứng kiến nhiệt độ trên 43 độ C là 18 ngày, ghi nhận vào năm 1974.
Ông Wade Crowfoot, thư ký của Cơ quan Tài nguyên thiên nhiên Mỹ, cho biết hàng loạt đám cháy rừng mới bùng phát trên khắp bang California trong tuần này. Trong khi đó, chính quyền bang lên kế hoạch chi 400 triệu USD để bảo vệ người lao động, giúp đỡ các cộng đồng dễ bị tổn thương và hỗ trợ địa phương mở các trung tâm làm mát.
Ông Roman Ruiz, điều phối viên về vấn đề người vô gia cư của Palm Springs, thành phố sa mạc thuộc California, nhiệt độ tại đây lên đến gần 43,3 độ C hôm 14-7, khiến những người vô gia cư rất chật vật. Ở những khu vực khác, theo AP, giới chức trách chuẩn bị tái sử dụng các thư viện công cộng, trung tâm dành cho người cao tuổi và hành lang của sở cảnh sát làm nơi trú nắng.
Các nhà khoa học cho rằng sự kết hợp giữa biến đổi khí hậu do con người gây ra và hiện tượng El Nino đang khiến nhiệt độ tăng lên mức cao kỷ lục. Khi cuộc khủng hoảng khí hậu gia tăng, các đợt nắng nóng kỷ lục thậm chí trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn.
Người dân được khuyến cáo ở trong nhà và tránh tập thể dục ngoài trời vào những thời điểm nóng nhất trong ngày, đặc biệt là từ 11 giờ đến 15 giờ.
Mưa lũ khủng khiếp ở châu Á
Tại Hàn Quốc tính đến ngày 15-7 đã có 22 người chết, 14 người mất tích và hàng ngàn người phải sơ tán, sau khi mưa lớn kéo dài 3 ngày liên tiếp gây lở đất. Bộ Nội vụ và An toàn cho biết số người sơ tán có thể tăng do nước đang tràn qua đập Goesan ở tỉnh Bắc Chungcheong.
Công ty Đường sắt Hàn Quốc đã tạm dừng toàn bộ tuyến tàu chậm và một số tàu tốc hành do lo sợ lở đất, lũ lụt và đá rơi. Trong cuộc họp ngày 15-7, theo Reuters, Thủ tướng Han Duck-soo đã yêu cầu quân đội tích cực tham gia cứu hộ.
Cùng ngày 15-7, Cơ quan Khí tượng Ấn Độ (IMD) dự báo mưa tiếp tục trút xuống miền Bắc đất nước, từ lớn đến rất lớn, trong vòng 5 ngày nữa. Các bang vốn chịu thiệt hại nặng nề do lở đất là Uttarakhand, Himachal Pradesh và Uttar Pradesh sẽ tiếp tục hứng mưa lớn.
Nước ngập sâu tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ hôm 14-7 do nước sông Yamuna dâng cao trong mưa lớn Ảnh: REUTERS
Tính tới nay, đã có 145 người thiệt mạng trong đợt mưa lũ này, theo India Today. Thủ đô New Delhi chứng kiến ngập lụt nghiêm trọng nhất trong vòng 45 năm qua, chủ yếu do nước sông Yamuna dâng cao quá nhanh.
Quân đội Ấn Độ cho biết đang giám sát chặt chẽ tình hình con sông để hỗ trợ kịp thời. IMD dự báo tại New Delhi tiếp tục có mưa vừa trong ngày 15 và 16-7.
Mưa cũng rơi như trút tại TP Trùng Khánh của Trung Quốc trong ngày 14-7. Lũ quét đã xảy ra ở nhiều vùng của Trung Quốc trong vài tuần qua, trong đó Trùng Khánh bị thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, với 15 người thiệt mạng vào tuần trước.
Trong khi gần 3.000 người phải sơ tán ở Trùng Khánh hôm 14-7 thì theo Tân Hoa Xã, hơn 40.000 người ở tỉnh Tứ Xuyên cũng rời bỏ nhà cửa vài ngày trước đó do mưa lũ.
Trong khi đó, đài NHK dẫn cảnh báo của Hiệp hội Thời tiết Nhật Bản cho rằng thảm họa tự nhiên có nguy cơ tăng mạnh tại Akita khi tỉnh này hứng lượng mưa kỷ lục. Cụ thể, tỉnh ở Đông Bắc Nhật Bản nói trên có thể ghi nhận lượng mưa tới 400 mm trong vòng 48 giờ (tính tới hết ngày 16-7).
Trước đó, 6 người đã thiệt mạng và 3 người mất tích sau "trận mưa lớn chưa từng thấy" gây lũ lụt và lở đất ở Tây Nam Nhật Bản hôm 11-7.
Bình luận (0)