Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc cho biết nhiều khu vực của các tỉnh Chiết Giang, Phúc Kiến, Giang Tây, Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu, Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Giang Tô, An Huy, TP Trùng Khánh và 2 khu tự trị Nội Mông, Tân Cương đều hứng chịu nhiệt độ trên 35 độ C trong ngày 25-7. Trong đó, một số nơi ở Chiết Giang, Phúc Kiến, Giang Tây và Tân Cương có thể vượt qua 40 độ C.
Tân Hoa Xã dẫn lời trung tâm này khuyến cáo người dân tránh các hoạt động ngoài trời và những công nhân phải làm việc dưới nhiệt độ cao nên rút ngắn thời gian lao động liên tục, đặc biệt là những ai đang sống tại các khu vực bị cảnh báo đỏ - hầu hết ở Đông Nam và Tây Bắc Trung Quốc. Nước này có hệ thống cảnh báo thời tiết 4 cấp độ, với màu đỏ là nghiêm trọng nhất, tiếp sau là màu cam, vàng và xanh dương.
Cuối tuần vừa qua, Chiết Giang và Phúc Kiến ghi nhận mức nhiệt trên 41 độ C, cao nhất từ trước tới nay tại 2 tỉnh miền Đông này. Kể từ tháng 6 tới nay, tất cả 71 trạm thời tiết quốc gia trên cả nước Trung Quốc đều ghi nhận các mức nhiệt phá mọi kỷ lục.
Đầu tháng này, Thượng Hải hứng chịu mức nhiệt cao nhất kể từ năm 1873 là 40,9 độ C. Không có gì lạ khi điện lưới Trung Quốc bị căng thẳng do nhu cầu sử dụng máy điều hòa gia tăng. Nhiều địa phương chọn cách tắt bớt đèn đường để tiết kiệm điện.
Bé gái nằm bên đài phun nước để tránh nắng nóng tại TP Thượng Hải - Trung Quốc hồi cuối tuần rồi Ảnh: REUTERS
Cùng lúc này, nhiều nước ở châu Âu tiếp tục khổ sở với nắng nóng chết người và nguy hiểm hơn là cháy rừng tràn lan. Tại Hy Lạp, trong lúc đám cháy nghiêm trọng trên đảo Lesbos gần Thổ Nhĩ Kỳ chưa bị khống chế thì các đám cháy mới bùng lên tại bán đảo Peloponnese ở phía Tây và một số khu vực ở phía Bắc nước này.
Nhiệt độ tại nhiều nơi ở Hy Lạp chạm mốc 40 độ C hôm 24-7 trong khi sóng nhiệt đang "hành hạ" châu Âu tiếp tục lan sang phía Đông và dự kiến kéo dài gần hết tuần này, theo Reuters. Ngoài Hy Lạp, các nước châu Âu khác đang đương đầu với cháy rừng gồm có Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha, Ý và Morocco ở Bắc Phi.
Bên kia đại dương, đài CNN cho biết 11 đội cứu hỏa với hơn 400 nhân viên, 45 xe chữa cháy và 4 trực thăng đang cố gắng dập tắt trận cháy rừng khủng khiếp ở phía Tây của Công viên quốc gia Yosemite. Khoảng 3.800 người ở hạt Mariposa của bang California - Mỹ đã phải sơ tán khỏi đám cháy rừng thuộc loại lớn nhất trong năm nay.
Tính đến tối 24-7 (giờ địa phương), đám cháy thiêu hủy hơn 6.300 ha và không còn gì trên diện tích này tồn tại, theo Sở Lâm nghiệp và Phòng cháy chữa cháy California (Cal Fire). Bắt đầu từ ngày 22-7, đám cháy bùng lên dữ dội vì tình trạng nóng - khô cực độ và hiện di chuyển về phía Đông tiến đến Yosemite, nơi có một trong những khu rừng sequoia (cự sam) lớn nhất và lâu đời nhất thế giới.
Reuters cho hay nguyên nhân đám cháy vẫn chưa rõ, song với hơn 2 thập kỷ khô hạn và nhiệt độ tăng cao khiến rừng ở California dễ cháy hơn bao giờ hết. Trong năm 2020 và 2021, hơn 2,75 triệu ha rừng của bang này bị thiêu rụi. Nhìn chung, hầu như toàn bộ nước Mỹ đã trải qua mức nhiệt cao hơn bình thường vào tuần trước và dự báo thời tiết nóng nguy hiểm hơn còn đang chờ phía trước.
Đây cũng là "công thức chung" trên thế giới, với các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên hơn, với mức độ nghiêm trọng hơn và bao trùm cả những khu vực vốn không quen với điều kiện thời tiết này.
"Nắng nóng có lẽ là dạng thảm họa tiềm tàng bị đánh giá thấp nhiều nhất. Nó gây ra cái chết cho rất nhiều người nhưng không phải kiểu chết hàng loạt đáng sợ, do đó chúng ta trở nên lơ là" - ông Daniel Swain, nhà khoa học khí hậu tại Trường ĐH California (Mỹ), lý giải.
Bình luận (0)