Hoạt động từ năm 2000, ISS đến giờ đã chào đón hơn 200 phi hành gia đến từ 19 quốc gia khác nhau, giúp duy trì sự hiện diện liên tục của con người trên vũ trụ. NASA mới đây cho biết các nền tảng vũ trụ thương mại sẽ thay thế ISS làm điểm hợp tác và nghiên cứu khoa học.
"Với sự hỗ trợ của NASA, lĩnh vực tư nhân có khả năng tài chính lẫn kỹ thuật để phát triển và vận hành các điểm đến thương mại trên quỹ đạo tầm thấp của trái Đất. Chúng tôi mong được chia sẻ những bài học cũng như những kinh nghiệm đã tích lũy được với lĩnh vực tư nhân để giúp họ phát triển những điểm đến an toàn, đáng tin cậy và hiệu quả tài chính trong vũ trụ" – Giám đốc thương mại vũ trụ NASA Phil McAlister thông báo.
Hoạt động từ năm 2000, ISS đến giờ đã chào đón hơn 200 phi hành gia đến từ 19 quốc gia khác nhau. Ảnh: NASA
Cũng theo ông McAlister, báo cáo NASA gửi cho quốc hội Mỹ đã trình bày chi tiết kế hoạch đảm bảo chuyển giao suôn sẻ sau khi ISS "nghỉ hưu" vào năm 2030.
NASA nêu rõ kế hoạch là để ISS rơi xuống khu vực không có người sống tại Nam Thái Bình Dương, được đặt tên là Điểm Nemo, vào tháng 1-2031. Theo đài CNN, đây là khu vực cách xa đất liền nhất và được sử dụng làm "nghĩa trang dưới nước" cho nhiều tàu vũ trụ.
Điểm Nemo cách bờ Đông của New Zealand khoảng 4.828 km và kể từ năm 1971, các cường quốc vũ trụ như Mỹ, Nga, Nhật Bản cùng các nước châu Âu đã cho chìm hơn 263 mảnh rác thải vũ trụ xuống đây.
Trong thời gian 8 năm còn lại, ISS sẽ không nghỉ ngơi. NASA cho biết các mục tiêu của ISS bao gồm làm điểm chuyển tiếp cho sứ mệnh sao Hỏa.
Các phi hành gia đã biết cách trồng rau xanh, bao gồm xà lách, trong không gian. Giờ đây, họ thậm chí còn đang trồng củ cải và ớt trên ISS, tiến gần hơn đến mục tiêu tự sản xuất thức ăn trong các sứ mệnh không gian sâu.
Ảnh mô phỏng Trạm Vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc. Ảnh: Bisbos
Trung Quốc năm ngoái đã phóng module đầu tiên của trạm vũ trụ nước này lên không gian. Dù trạm vũ trụ của họ không lớn bằng ISS nhưng dự kiến hoạt động toàn phần từ cuối năm nay.
Về phần mình, Nga đã tuyên bố sẽ rời dự án ISS vào năm 2025 và lên kế hoạch xây dựng trạm vũ trụ nội địa đầu tiên, dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2030.
Bình luận (0)