Với biệt danh "đầu dò đường hầm", kế hoạch này mở ra cơ hội đào sâu vào Europa để tìm hiểu xem có người ngoài hành tinh ẩn nấp bên dưới như hoài nghi của một số nhà nghiên cứu hay không. Theo trang Independent (Anh), lớp nước bên dưới bề mặt Europa được xem là một trong những nơi có khả năng tồn tại sự sống bên ngoài trái đất nhất. Nhưng do nguồn nước nằm dưới lớp vỏ băng nên không dễ khám phá trực tiếp.
Trong đề xuất được đưa ra tại cuộc họp mới đây của Hiệp hội Địa vật lý Mỹ, các nhà nghiên cứu giải thích: "Đầu dò đường hầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể xuyên qua lớp băng và đến đại dương bên dưới Europa. Nó mang theo thiết bị có thể tìm kiếm bằng chứng về sự sống hoặc hiện hữu hoặc đã tuyệt chủng. Đầu dò đường hầm cũng đánh giá khả năng cư trú ở lớp băng và đại dương bên dưới".
Một phần của tàu vũ trụ InSight- được nhìn thấy qua máy quay giám sát - sau khi hạ cánh thành công xuống bề mặt sao Hỏa hồi tháng 11 Ảnh: NASA
Dĩ nhiên, kế hoạch này đối mặt một loạt thách thức, trước hết là khả năng đầu dò đường hầm có thể di chuyển đến sao Mộc xa xôi. Ngay cả khi đến được mục tiêu và xuyên qua lớp băng bằng cách dùng năng lượng hạt nhân hoặc năng lượng nhiệt - hai phương án đang được các nhà khoa học cân nhắc, máy khoan sẽ gặp tiếp thách thức khác, bao gồm kéo theo dây cáp để gửi tín hiệu từ dưới lớp băng lên trên bề mặt và truyền về trái đất.
Bên cạnh kế hoạch phiêu lưu ở sao Mộc, NASA còn đang nghiên cứu vấn đề đưa con người lên sao Hỏa. Tuy nhiên, tham vọng này bị ông Bill Anders - phi công mô-đun mặt trăng trong sứ mệnh Apollo 8, chuyến bay có người điều khiển rời khỏi quỹ đạo trái đất vào vũ trụ đầu tiên hồi cuối năm 1968 - chê là "ngu ngốc".
Trao đổi với đài BBC, cựu phi hành gia 85 tuổi khẳng định bản thân ủng hộ mạnh mẽ các chương trình không gian không người lái vì ít tốn kém hơn nhiều so với có người điều khiển. Nhiều tàu tự hành đã đáp xuống sao Hỏa thời gian qua. Gần đây nhất, tàu InSight hạ cánh xuống hành tinh đỏ hồi tháng 11.
Bình luận (0)