Vụ việc nghiêm trọng xảy ra đêm 10-3 (giờ địa phương) khi chiếc máy bay không người lái quân sự do Nga sản xuất, bay từ vùng chiến sự Ukraine qua Romania và Hungary trước khi lao xuống khu vực gần ký túc xá sinh viên ở thủ đô Zagreb của Croatia.
"Khoảng 40 ô tô đang đậu bị hư hỏng nhưng không ai bị thương sau tiếng nổ lớn gây ra bởi chiếc máy bay không người lái quân sự lao xuống đất" - đài ABC News đưa tin.
NATO cho biết hệ thống phòng không và tên lửa tích hợp của liên minh đã theo dõi đường bay của vật thể. Tuy nhiên, Thủ tướng Croatia cho biết nhà chức trách nước này không nhận được thông báo và NATO chỉ phản ứng sau khi truyền thông đặt câu hỏi.
Cả ba nước Romania, Hungary và Croatia đều là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Sự việc này khiến giới chức Croatia vô cùng tức giận đã lên tiếng chỉ trích NATO "phản ứng chậm chạp".
NATO bị “người nhà” chỉ trích sau vụ máy bay lạc
"Chúng tôi không thể chấp nhận được tình huống này và cũng không nên để nó xảy ra" - Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic hôm 12-3 nhấn mạnh - "Rõ ràng đây là mối đe dọa trực tiếp nhưng cả NATO và liên minh châu Âu (EURO) đều phản ứng chậm chạp".
Người đứng đầu chính phủ Croatia cho biết chiếc máy bay không người lái do thám Tu-141 Strizh từ thời Liên Xô sản xuất đã bay hơn 40 phút qua bầu trời Hungary và 6-7 phút trong không phận Croatia trước khi lao xuống đất, bốc cháy.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Romania khẳng định máy bay không người lái này từ Ukraine bay vào không phận của họ chỉ trong khoảng 3 phút nên "rất khó bị đánh chặn".
Ông Plenkovic cũng kêu gọi Hungary mở cuộc điều tra và giải thích rõ tại sao lực lượng phòng không của họ dường như không phát hiện ra, dù nó bay trong lãnh thổ của mình tới 40 phút. Sự phản ứng chậm chạp đó khiến cả Croatia và Romania bị động do có quá ít thời gian để đánh chặn chiếc máy bay không người lái quân sự đang bay rất nhanh.
"May mắn thay, điều tồi tệ hơn nhiều đã không xảy ra" - ông Plenkovic ám chỉ việc không có thương vong trên mặt đất và nói thêm rằng Thủ tướng Hungary Viktor Orban "biết được vụ việc nghiêm trọng này còn sau cả tôi".
"Việc phản ứng chậm chạp có thể khiến chiếc máy bay không người lái này rơi vào nhà máy điện hạt nhân ở Hungary. Rõ ràng Hungary đã không có phản ứng tốt và các quốc gia khác cũng không phản ứng tốt" - ông Plenkovic nói thêm.
Thủ tướng Croatia cũng đề nghị tiến hành mở cuộc điều tra để xác định rõ chiếc Tu-141 Strizh này của Nga hay Ukraine vì cả 2 hiện đều phủ nhận.
Được biết, chiếc Tu-141 Strizh nặng khoảng 6 tấn, có tốc độ bay khoảng 1.000km/giờ và có tầm hoạt động 1.000km.
Bình luận (0)