Các nhà lãnh đạo quân sự phương Tây họp tại trụ sở Tổ chức Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels, Bỉ trong ngày 26-6 để cùng với Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) giải quyết vụ một máy bay chiến đấu của nước này đã bị Syria bắn rơi hôm 22-6.
Cuộc hội ý được tiến hành xuất phát từ đề nghị của TNK theo điều 4 Hiến chương NATO. Nữ phát ngôn viên NATO Oana Lungescu cho biết: “Theo điều 4, mọi nước đồng minh đều có thể đề nghị tổ chức cuộc hội ý bất cứ khi nào sự toàn vẹn lãnh thổ, nền độc lập chính trị hoặc an ninh của họ bị đe dọa”.
Theo đài CNN, đây là cơ hội để TNK yêu cầu NATO có phản ứng quân sự tập thể. Quan điểm này xuất phát từ nội dung điều 5 Hiến chương NATO. Theo đó, khi một nước thành viên bị tấn công, từng thành viên khác sẽ hỗ trợ bằng cách có hành động cần thiết, kể cả sử dụng lực lượng vũ trang, để khôi phục và duy trì an ninh khu vực Bắc Đại Tây Dương.
Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao NATO quả quyết tổ chức này không muốn xung đột với Syria vào thời điểm hiện nay. Trước đó, Mỹ và nhiều nước đã lên tiếng phản đối sự can thiệp quân sự vào Syria và họ ít khả năng cổ vũ TNK thúc ép vấn đề này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul (phải) và tướng Mehmet Erten, Tư lệnh Không quân nước này, ở Istanbul ngày 25-6. Ảnh: AP
Hãng tin AP nhận định triển vọng phương Tây can thiệp quân sự vào Syria vẫn còn xa vời. Bởi lẽ, hành động như vậy sẽ không nhận được sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng như Liên đoàn Ả Rập và điều quan trọng là các nước NATO không muốn xảy ra một cuộc chiến tranh khác nữa ở Trung Đông.
Theo đài BBC, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã ra tuyên bố nhấn mạnh 28 thành viên của liên minh này cho rằng vụ bắn máy bay là không thể chấp nhận được và họ đứng bên cạnh TNK với tinh thần đoàn kết cao độ.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng TNK Bulent Arinc phản đối quyết liệt việc khẳng định của phía Syria rằng máy bay của TNK đã bị bắn hạ bằng súng phòng không tầm ngắn, chứng tỏ nó bay thấp bên trong không phận Syria. Ông Arinc nhấn mạnh rằng TNK tin chắc chiếc máy bay đã bị bắn hạ bằng tên lửa laser hoặc tên lửa tầm nhiệt – những loại vũ khí có khả năng bắn trúng máy bay trên không phận quốc tế.
TNK tuyên bố sẽ thúc đẩy NATO xem xét vụ Syria bắn hạ máy bay của TNK như một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh quân sự này. Chính phủ TNK khẳng định chiếc máy bay F-4 Phantom không vũ trang bị bắn rơi bên trong không phận quốc tế và 2 phi công hiện vẫn còn mất tích. TNK cũng khẳng định máy bay này không hề do thám Syria.
Phó Thủ tướng Arinc nói TNK có quyền trả đũa chống lại điều ông gọi là hành động thù địch. Tuy nhiên, ông Arinc nhấn mạnh: “Chúng tôi không có ý định gây chiến với bất kỳ nước nào”.
Máy bay thứ hai bị bắn
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TNK Selcuk Unal cho biết Syria đã bắn chiếc máy bay thứ hai của TNK khi nó thực hiện sứ mệnh tìm kiếm và cứu nạn trong không phận Syria không lâu sau khi xảy ra vụ bắn rơi máy bay.
Tuy nhiên, chiếc máy bay không bị trúng đạn. Ông Unal xác nhận: “Không một ai bị thương. Máy bay này đã quay lại không phận TNK ngay lập tức. Chúng tôi đã thông báo cho phía Syria biết sự việc”. |
Bình luận (0)