Các nhà lãnh đạo NATO hôm 8-7 nhất trí triển khai lực lượng quân sự lần đầu tiên đến Ba Lan và 3 nước Baltic (Lithuania, Estonia, Latvia), cũng như tăng cường các chuyến tuần tra trên biển và trên không trong khu vực để trấn an những đồng minh đang lo ngại sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine.
Răn đe và đối thoại
Với quyết định trên, 4 tiểu đoàn có tổng quân số từ 3.000-4.000 quân sẽ được triển khai đến Đông Bắc châu Âu trên cơ sở luân phiên. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh bước đi này đã phát thông điệp rõ ràng: Một thành viên bị tấn công đồng nghĩa cả liên minh bị tấn công.
Tuy nhiên, giới lãnh đạo NATO nhóm họp tại thủ đô Warsaw - Ba Lan cho biết vẫn sẵn sàng theo đuổi đối thoại với Moscow, khôi phục các biện pháp xây dựng lòng tin mà họ cho là đã bị Nga “đạp đổ” vì hành động sáp nhập Crimea và ủng hộ lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine. Ông Stoltenberg nói thêm biện pháp trên không có nghĩa NATO muốn cô lập Moscow, láng giềng lớn nhất của khối. Theo ông, Nga sẽ được cung cấp chi tiết về quyết định mới nhất của NATO tại cuộc gặp của Hội đồng NATO - Nga, dự kiến diễn ra vào tuần tới.
Bên cạnh đó, ông Stoltenberg thông báo về chương trình hoạt động của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tại châu Âu vừa được Mỹ chuyển giao quyền kiểm soát. Theo kênh RT, các nhà lãnh đạo NATO chính thức công nhận không gian mạng là một lĩnh vực hoạt động của liên minh, bên cạnh đất liền, trên không và trên biển.
Đáp lại quyết định của NATO, Nga lập tức cảnh báo khối này không nên triển khai quân đến Baltic và tăng quân ở biển Đen. Đại sứ Nga tại NATO Alexander Grushko nói với báo Kommersant rằng Moscow sẽ làm bất cứ điều gì để giữ nguyên tính cân bằng trong khu vực. Theo ông Grushko, Nga muốn duy trì sự hợp tác quốc tế trên biển Đen nhưng hiện diện quân sự của Mỹ đã phá vỡ thế cân bằng đó.
Vòng luẩn quẩn
Đằng sau sự đồng thuận về quyết định triển khai quân đến Đông Âu lại là những rạn nứt ngày càng tăng trong lòng NATO về việc nên cứng hay mềm với Nga. Sau những biện pháp trừng phạt kinh tế và một loạt cuộc tập trận hòng gây sức ép lên Nga trong hơn 2 năm qua, một số thành viên NATO, như Đức, Pháp, Ý... đang ít nhiều dao động. Thủ tướng Ý Matteo Renzi gần đây đến Nga tham gia Diễn đàn Kinh tế St.Petersburg, trong khi Tổng thống Pháp Francois Hollande nói nhiều về sự cần thiết phải đối thoại với Moscow. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng chỉ trích cuộc tập trận của NATO ở Ba Lan vào tháng rồi vì cho rằng nó sẽ kích động người Nga. “Tổng thống Vladimir Putin đang thử thách những quốc gia này và đang chia rẽ một số nước” - ông Nicholas Burns, cựu đại sứ Mỹ tại NATO, nhận định với báo The New York Times.
Một vấn đề khác là liệu NATO có thật sự bảo vệ được các nước Baltic hay không. Về mặt địa lý, các nước này bị chia cắt với phần còn lại của NATO bởi Kaliningrad - lãnh thổ hải ngoại của Nga bên bờ biển Baltic. Hồi tháng trước, Tư lệnh Lục quân Mỹ tại châu Âu, Trung tướng Frederick “Ben” Hodges, cho rằng NATO không thể bảo vệ được các quốc gia Baltic nếu Nga thực sự tấn công. “Chúng ta không thể kịp tới đó để bảo vệ họ” - tướng Hodges nhận định.
Trang Bloomberg dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng Điện Kremlin đã thành công trong việc tạo ra bầu không khí bất an mà không cần động binh. Hơn nữa, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto cảnh báo việc tăng cường triển khai quân của NATO sẽ buộc Nga gia tăng lực lượng bảo vệ St.Petersburg, thành phố bên bờ biển Baltic, khiến các bên rơi vào vòng luẩn quẩn của cuộc chạy đua vũ trang.
Bình luận (0)