NATO đang thúc đẩy phát triển các tiêu chuẩn chung cho các công nghệ mới, theo sau chiến lược AI đã được các thành viên của liên minh thống nhất, trong đó vạch ra các nguyên tắc sử dụng có trách nhiệm.
Phát biểu trực tuyến tại một hội nghị của NATO về kiểm soát và giải trừ vũ khí, người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg cho biết: "Bước tiếp theo sẽ là hợp tác với Trung Quốc, cả về các giá trị và nguyên tắc cũng như nhất trí về một số quy tắc sử dụng có trách nhiệm".
Người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Bloomberg, ông nói thêm rằng nhân viên NATO thường xuyên liên lạc với các đối tác của họ ở các thủ đô bao gồm cả Bắc Kinh.
Các nhà lãnh đạo của liên minh quân sự gồm 31 thành viên đã đồng ý vào tháng 6 năm ngoái rằng Trung Quốc là một "thách thức mang tính hệ thống" khi các đồng minh ngày càng nhận thức rõ về mối đe dọa an ninh mà Bắc Kinh đặt ra trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về lâu dài.
Người đứng đầu NATO đã nhiều lần cảnh báo về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng quân đội và vũ khí hạt nhân, cũng như những gì ông mô tả là hành vi bắt nạt đối với các nước láng giềng và nỗ lực kiểm soát cơ sở hạ tầng quan trọng trong khi lan truyền thông tin sai lệch về liên minh quân sự này.
Ông Stoltenberg cho biết: "Chúng tôi không xem hay đánh giá Trung Quốc như một đối thủ nhưng Trung Quốc đặt ra một số thách thức đối với lợi ích của chúng tôi, đối với các giá trị NATO và an ninh của chúng tôi. Điều đó khiến cho việc hợp tác với Trung Quốc thậm chí còn quan trọng hơn vì chúng tôi thấy họ đang đầu tư vào các khả năng hiện đại mới, tên lửa tầm xa, tăng hơn gấp 3 lần số lượng đầu đạn hạt nhân trong vài năm".
Ông Stoltenberg cho biết sẽ có lợi cho Trung Quốc nếu cung cấp thông tin minh bạch hơn về kho vũ khí hạt nhân của họ, bao gồm cả những giới hạn có thể kiểm chứng. Ông Stoltenberg nói: "Trung Quốc nên sẵn sàng ngồi xuống và tham gia nhiều thỏa thuận kiểm soát vũ khí hơn, bao gồm cả giới hạn về số lượng đầu đạn hạt nhân của họ".
Các quan chức từ hơn 60 chính phủ bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc đã gặp nhau vào tháng 2 tại The Hague-Hà Lan để thảo luận về những hệ quả đạo đức và pháp lý của việc sử dụng AI trong quân đội. Hai ngày thảo luận trên phạm vi rộng đã đi đến kết quả hàng chục chính phủ ký vào "lời kêu gọi hành động", trong đó thừa nhận trách nhiệm của con người khi triển khai AI trong quân đội.
Bình luận (0)