Phát biểu trước Quốc hội Nam Phi ngày 14-6, ông Zuma cho rằng NATO đã vượt quá thẩm quyền được Liên Hiệp Quốc trao.
“Tôi tin chắc rằng Nghị quyết 1973 về thiết lập vùng cấm bay tại Libya của Liên Hiệp Quốc đã bị NATO lạm dụng cho mục đích thay đổi chế độ, ám sát quan chức cũng như hợp thức hóa hành động chiếm đóng quân sự tại Libya” - ông Zuma cáo buộc.
Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma cáo buộc NATO lạm dụng Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Ảnh: Reuters
Cho đến nay, NATO đã nhiều lần kêu gọi nhà lãnh đạo Libya Gaddafi từ chức. Phía Libya cáo buộc các cuộc không kích của NATO đã giết chết con trai út cùng 3 đứa cháu của ông Gaddafi. Gần đây, NATO cũng thay đổi chiến thuật, chuyển sang không kích các cơ sở thân cận với ông Gaddafi tại thủ đô Tripoli.
Ông Zuma được xem là một trong số ít đồng minh ít ỏi còn lại của chính phủ Libya. Ông đã đến Libya hai lần kể từ tháng 3-2011 nhằm đại diện cho Liên đoàn châu Phi (AU) tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc nội chiến Libya.
Hồi tháng 4-2011, chính quyền Libya từng tán thành kế hoạch ngừng bắn của AU nhưng sau đó vấp phải sự phản đối của phe nổi dậy nên bất thành.
Một binh lính nổi dậy chiến đấu tại Ras Lanuf. Ảnh: Telegraph
Trong khi đó, nhiều quan chức cấp cao của các nước tham gia chiến dịch quân sự do NATO chỉ huy tại Libya đang lo ngại trước nguy cơ sa lầy.
Đô đốc Hải quân Pháp Pierre-Francois Forissier nhận định tài chính đang cạn kiệt khiến Paris đau đầu. Chiến dịch tại Libya ngốn của Pháp 1,2 triệu euro/ngày trong khi nước này đang siết chặt ngân sách quốc phòng.
Bên kia chiến tuyến, tình hình tài chính của ông Gaddafi cũng không khá hơn. Theo tờ Le Figaro (Pháp), ông Farhat Bengdara, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Libya đã đào thoát, khẳng định Tripoli chỉ còn 500 triệu USD tiền mặt vào cuối tháng 2.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính Libya dự trữ 143,8 tấn vàng nhưng rất khó đổi ra tiền mặt trong khi tài khoản của chính quyền Libya tại các ngân hàng phương Tây đã bị đóng băng.
Huấn luyện binh lính nổi dậy tại Benghazi. Ảnh: Telegraph
Bình luận (0)