Trong động thái triển khai lực lượng lớn nhất của NATO ở sát biên giới Nga kể từ Chiến tranh lạnh, Đức, Canada và các thành viên khác cũng cam kết triển khai lực lượng tại cuộc họp diễn ra ở Brussels - Bỉ hôm 26-10.
Kế hoạch của NATO là thiết lập 4 nhóm với tổng cộng 4.000 binh sĩ, được yểm trợ bởi một lực lượng phản ứng nhanh gồm 40.000 binh sĩ.
Đóng góp cho kế hoạch này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố sẽ triển khai 900 binh sĩ đến miền đông Ba Lan. Ngoài ra, một lực lượng khác, được trang bị xe tăng và thiết bị hạng nặng, được đưa đến Đông Âu.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon khẳng định bắt đầu từ tháng 5-2017 sẽ triển khai 800 binh sĩ đến Estonia. Lực lượng này được hậu thuẫn bởi binh sĩ Pháp và Đan Mạch. Ngoài ra, London sẽ triển khai chiến đấu cơ Typhoon đến Romania tuần tra khu vực biển Đen.
Cuộc họp bộ trưởng quốc phòng NATO diễn ra tại Brussels hôm 26-10. Ảnh: Reuters
Các đồng minh khác của NATO cũng tham gia 4 nhóm chiến đấu đóng tại Ba Lan, Lithuania, Estonia và Latvia nói trên. Trong đó, Canada cho biết sẽ triển khai 450 binh sĩ đến Latvia. Đức cũng tuyên bố sẽ triển khai khoảng 400-600 binh sĩ đến Lithuania cùng với lực lượng bổ sung đến từ Hà Lan, Na Uy, Bỉ, Croatia và Luxembourg.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết kế hoạch triển khai quân nói trên là động thái phản ứng sự tập trung của 330.000 binh sĩ Nga đóng quân trên sườn phía Tây nước này.
“Chỉ trong tháng này, Nga đã triển khai tên lửa hạt nhân Iskander đến Kaliningrad và đình chỉ thỏa thuận tiêu hủy plutoni với Mỹ” – ông Stoltenberg nhấn mạnh, đồng thời cáo buộc Nga hỗ trợ cho phiến quân ở Ukraine. Những tên lửa này có khả năng bắn trúng các mục tiêu ở Hà Lan và Baltic.
Trước đó, các nhà lãnh đạo NATO cam kết ngăn chặn Nga gây sức ép lên các nước thuộc Liên Xô sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.
Quyết định trên của NATO được đưa ra cùng ngày hai tàu chiến Nga trang bị tên lửa tàng hình tiến vào Biển Baltic. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha cho biết Nga đã rút yêu cầu tiếp liệu cho ba tàu chiến mình tại cảng Ceuta, thuộc chủ quyền của Tây Ban Nha ở Bắc Phi, sau khi NATO lo ngại những tàu này có thể sử dụng để "tấn công dân thường" ở Syria.
Bình luận (0)