Theo báo South China Morning Post (SCMP) ngày 25-1, chuyến thăm trên dự kiến diễn ra từ ngày 30-1. Ngoài thắt chặt quan hệ, chuyến thăm còn nhằm thể hiện sự ủng hộ của NATO đối với Nhật Bản và Hàn Quốc trong bối cảnh 2 quốc gia này đối mặt nhiều thách thức an ninh đến từ Trung Quốc và Triều Tiên, giới chuyên gia nhận định.
Xung đột Nga - Ukraine cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự. Tokyo và Seoul nhiều khả năng cam kết viện trợ bổ sung các thiết bị không sát thương cho Kiev.
Hàn Quốc và Nhật Bản trước đó đã cung cấp thiết bị y tế, áo giáp, mũ bảo hiểm, máy phát điện và thiết bị liên lạc. Tuy nhiên, 2 quốc gia này đến giờ vẫn chưa cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí gây sát thương như xe tăng, pháo hay tên lửa.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: EPA
Tổng thư ký Stoltenberg dự kiến đến Seoul vào ngày 29-1 và sẽ hội đàm với Tổng thống Yoon Suk-yeol, Bộ trưởng Ngoại giao Park Jin và Bộ trưởng Quốc phòng Lee Jong-sup của Hàn Quốc. Sau đó, ông đến Tokyo để gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.
"Trong những tháng gần đây, NATO tích cực hơn trong việc làm sâu sắc và mở rộng các mối quan hệ hợp tác với các quốc gia ở Đông Á, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc" – một chuyên gia giấu tên của Viện Nghiên cứu Quốc phòng ở Tokyo cho biết, đồng thời khẳng định mục tiêu là thắt chặt quan hệ với các nước có cùng chí hướng.
Cũng theo chuyên gia này, Tổng thư ký Stoltenberg nhiều khả năng không trực tiếp yêu cầu Nhật Bản viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine bởi ông hiểu rằng "rất khó để người dân Nhật Bản chấp nhận một động thái như vậy ở thời điểm hiện tại".
Trong khi đó, chuyên gia James Brown của Trường ĐH Temple (Mỹ) khẳng định mục tiêu của NATO và Tổng thư ký Stoltenberg là gửi thông điệp rằng khủng hoảng Ukraine không phải là khủng hoảng của riêng châu Âu, mà là của toàn thế giới. Theo ông Brown, đây là lí do NATO rất mong những quốc gia khác, đặc biệt là Nhật Bản, can thiệp và hỗ trợ.
Hàn Quốc và Nhật Bản đến giờ vẫn chưa viện trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Ảnh: Reuters
Bình luận (0)