Theo Kyodo News, tại một sự kiện do Mạng lưới Đoàn kết Di dân Nhật Bản (SNMJ) - một nhóm hỗ trợ người lao động nước ngoài – tổ chức hôm 14-3, người đàn ông Việt Nam, 24 tuổi (từ chối nêu tên), tuyên bố rằng anh ta sẽ "không bao giờ đến Nhật Bản" nếu biết mình phải làm công việc khử nhiễm phóng xạ gần nơi xảy ra sự cố hạt nhân.
Thanh niên này cho biết một công ty xây dựng ở TP Morioka, tỉnh Iwate đã thuê anh ta làm thực tập sinh nhưng không nói cụ thể về công việc loại bỏ các vật liệu được phân loại ra khỏi khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi vốn bị ảnh hưởng nặng bởi động đất và sóng thần hồi tháng 3-2011.
Người đàn ông Việt tại cuộc họp báo hôm 14-3. Ảnh: Nippon
Theo SNMJ, người đàn ông Việt tới Nhật Bản vào tháng 9-2015. Nội dung trong hợp đồng chỉ ghi rằng anh ta sẽ tham gia công việc liên quan đến "máy xây dựng, tháo dỡ và kỹ thuật dân dụng" trên đường và một số khu nhà lân cận ở TP Koriyama, tỉnh Fukushima từ tháng 10-2015 đến tháng 3-2016.
Thanh niên này cũng tham gia công việc tháo dỡ các tòa nhà tại thị trấn Kawamata, tỉnh Fukushima từ tháng 9 đến tháng 12-2016 trước khi lệnh di tản cư dân trong khu vực được dỡ bỏ.
Người đàn ông Việt bắt đầu nghi ngờ sau khi nhìn thấy ai đó tiến hành đo bức xạ tại địa điểm anh ta làm việc và khám phá ra sự thật sau khi liên lạc với tổ chức giúp đỡ người nước ngoài ở Nhật Bản Zoeitsu Workers Union.
Anh ta cũng chỉ nhận được 2.000 yen (19 USD)/ngày, ít hơn so với mức tiêu chuẩn 6.600 yen mà Bộ Môi trường Nhật Bản quy định cho công việc khử nhiễm phóng xạ. Thêm vào đó, mức lương hàng tháng của người đàn ông vào khoảng 150.000 yen (hơn 1.400 USD) do là học viên nước ngoài.
Anh tuyên bố sẽ "không bao giờ đến Nhật Bản" nếu biết mình phải làm công việc khử nhiễm phóng xạ gần nơi xảy ra sự cố hạt nhân. Ảnh: Kyodo
Khi được báo Mainichi Shimbun liên hệ, công ty xây dựng thuê người đàn ông Việt trả lời: "Chúng tôi để anh ta làm công việc giống như những người lao động Nhật Bản. Chúng tôi đã nói với anh ta về khả năng làm công việc khử nhiễm phóng xạ trong quá trình phỏng vấn tại Việt Nam. Trước khi làm việc, anh ta được đào tạo cùng với những người lao động khác. Chúng tôi bảo anh ta rằng nếu có điều gì không rõ thì hãy hỏi lại".
Phòng di trú của Bộ Tư pháp cũng như Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản hôm 14-3 thừa nhận công việc khử nhiễm phóng xạ không phù hợp với nội dung chương trình đào tạo người lao động nước ngoài và có thể bị xem là bất hợp pháp.
Nhật Bản giới thiệu chương trình đào tạo dành cho lao động nước ngoài vào năm 1993 với mục đích chuyển giao kỹ năng cho các nước đang phát triển. Nhưng kế hoạch này bị chỉ trích vì tạo điều kiện cho một số công ty Nhật Bản nhập khẩu lao động giá rẻ.
Bình luận (0)