Mỹ và một số đồng minh tiếp tục có những bước đi báo hiệu một hành động quân sự chống lại chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad chỉ còn là vấn đề thời gian.
Đồng minh của Mỹ thận trọng
Các quan chức quân sự hàng đầu Mỹ nhóm họp tại Nhà Trắng vào chiều tối 11-4 (giờ địa phương) để bàn những lựa chọn khả dĩ nhằm trả đũa nghi án tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria cuối tuần rồi dù vẫn chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra. Trong khi đó, nội các Anh họp khẩn ngày 12-4 và Thủ tướng Theresa May sẵn sàng cùng Mỹ và những đồng minh khác có hành động chống lại Damascus mà không cần tìm kiếm sự phê chuẩn của quốc hội.
Pháp cũng cho biết sẵn sàng hành động nếu chứng minh được vũ khí hóa học đã được sử dụng tại Syria - một động thái cho thấy sự thận trọng nhất định. Theo đài VOA, các đồng minh của Mỹ đã thúc giục nước này tránh hấp tấp trong hành động trả đũa và cần có thêm bằng chứng về "sự dính líu" của chính phủ Syria đối với vũ khí hóa học.
Điều được dư luận quan tâm là chiến dịch quân sự của Mỹ và đồng minh, nếu có, sẽ diễn ra như thế nào và có quy mô ra sao. Cách đây hơn 1 năm, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh phóng 59 tên lửa hành trình từ tàu chiến để đáp trả "vụ tấn công hóa học" tại thị trấn Khan Sheikhoun. Hậu quả là các đường băng và nhà chứa máy bay tại căn cứ không quân Shayrat bị phá hủy nhưng chúng nhanh chóng được sửa chữa. Tờ The Guardian (Anh) cho rằng vụ tấn công trên chỉ mang tính biểu tượng nhưng dự báo quy mô của hành động quân sự sắp tới có thể lớn hơn nhiều. Tổng thống Mỹ muốn chứng tỏ ông là nhà lãnh đạo mạnh mẽ nếu cảm thấy lằn ranh đỏ do ông đặt ra bị vượt qua.
Mục tiêu tiềm tàng có thể là những cơ sở bị cáo buộc chứa vũ khí hóa học, căn cứ không quân hoặc thậm chí là những gì còn lại của không quân nước này. Ngoài ra, không loại trừ khả năng Mỹ tấn công cả những hệ thống phòng không và một số mục tiêu ở thủ đô Damascus nhằm phát đi thông điệp mạnh mẽ hơn dù lựa chọn này có nguy cơ gây ra nhiều thương vong hơn và làm leo thang cuộc xung đột.
Tàu USS Donald Cook rời thành phố cảng Larnaca - Cyprus hôm 9-4. Ảnh: REUTERS
Syria không ngồi yên
Ngoài 2 tàu khu trục USS Donald Cook và USS Porter được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk, Mỹ cũng có thể huy động tàu ngầm ở Địa Trung Hải và tiêm kích tàng hình F-22 ở Qatar cho một chiến dịch quân sự như thế. F-22 có thể được sử dụng để tránh hệ thống phòng không Syria nhưng phi công có thể gặp rủi ro nếu chiến đấu cơ này bị bắn hạ. "Trước những đe dọa ngăn chặn của giới chức Nga, Mỹ sẽ ngần ngại trong việc sử dụng phi công tham gia những cuộc không kích này. Vì thế, lựa chọn khả dĩ nhất là không kích tầm xa từ tàu ngầm hoặc máy bay. Tên lửa tàng hình mới JASSM có thể được phóng từ các máy bay B-1B và B-52 (và có thể từ F-15E và F-16)" - chuyên gia Adam Mount của Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS) nói với đài CNN.
Ngoài ra, Mỹ còn hy vọng một số đồng minh chủ chốt như Anh, Pháp… điều tàu và máy bay tham gia hành động để gia tăng quy mô và sức hủy diệt của cuộc tấn công. Theo tờ Daily Mail, 2 tàu ngầm Anh được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk được điều đến gần Syria để chờ khai hỏa. Ngoài ra, các máy bay chiến đấu của Không lực Hoàng gia Anh (RAF) tại căn cứ ở Cyprus được lệnh sẵn sàng tấn công Syria.
Trong khi đó, Pháp hiện có 10 chiến đấu cơ Rafale đóng tại Jordan và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất được trang bị tên lửa Storm Shadow có phạm vi hoạt động khoảng 250 km. Nhờ vậy, máy bay Pháp có thể tấn công Syria mà không cần tiến vào không phận nước này, từ đó tránh được hệ thống phòng không của Nga. Pháp cũng có thể tấn công từ tàu khu trục Aquitaine (được trang bị 16 tên lửa hành trình và 16 tên lửa đất đối không) hoặc triển khai chiến đấu cơ Rafale từ lãnh thổ mình.
Dĩ nhiên là Syria không chịu ngồi yên. Bà Bouthaina Shaaban, cố vấn của ông Assad, hôm 11-4 nói với kênh truyền hình al-Mayadeen (Lebanon) rằng chính phủ Syria và các đồng minh (Nga, Iran, phong trào Hezbollah) đang tham vấn về lời đe dọa tấn công của Mỹ và có "những lựa chọn đối phó". Tờ The Guardian nhận định dù hệ thống phòng không Syria bị thiệt hại nặng trong các vụ không kích của Israel hồi tháng 3, đây vẫn là một mối đe dọa không nhỏ. Tên lửa 45 tuổi SA-5 của nó vẫn hạ gục được một chiếc F-16 của Israel. Tuy nhiên, các tên lửa phòng không này ít có khả năng đánh chặn tên lửa hành trình bay sát mặt đất. Câu hỏi đáng chú ý là liệu Nga có kích hoạt hệ thống phòng không S-400 đáng gờm - được triển khai ở Syria trong hơn 1 năm qua và là mối đe dọa chết người đối với các chiến đấu cơ hiện đại nhất thế giới - hay không.
Tác động sâu rộng trên thế giới
Giới chuyên gia phân tích cảnh báo bất kỳ hành động quân sự nào của Mỹ nhằm vào Syria cũng có thể khiến thị trường biến động.
Theo đài CNBC (Mỹ), thị trường chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ ở phiên giao dịch cuối ngày 12-4 khi các nhà đầu tư lo lắng trước tình hình leo thang căng thẳng tại Syria. Các chỉ số Nikkei 225, Topix (Nhật), Kospi (Hàn Quốc), S&P/ASX 200 (Úc) và Shanghai composite, Shenzhen composite (Trung Quốc) đồng loạt giảm điểm. Thị trường chứng khoán châu Âu cũng trồi sụt không kém, sau khi giảm trong ngày giao dịch 11-4 thì tăng trở lại hôm 12-4 (giờ địa phương).
Mặc dù Syria không phải là nước sản xuất dầu quan trọng nhưng lại nằm ở Trung Đông, nơi xuất khẩu dầu thô quan trọng nhất thế giới. Do đó, căng thẳng trong khu vực có xu hướng gây tổn hại cho thị trường dầu mỏ. Giá dầu thế giới đã tăng hơn 2% trong phiên giao dịch trưa 11-4, đạt 67 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 12-2014. "Thị trường dầu mỏ gắn kết chặt chẽ với các căng thẳng địa chính trị. Nếu xung đột tăng nhiệt, chắc chắn giá dầu sẽ tăng" - ông Fatih Birol, Giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhận định với kênh truyền hình Bloomberg. Biến động không kém là thị trường vàng. Theo đài CNBC, giá kim loại quý này tăng 0,7%, đạt mức 1.355,3 USD/ounce hôm 11-4.
Ngoài ảnh hưởng kinh tế, căng thẳng Syria chắc chắn kéo theo những bất ổn về địa chính trị. TS Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao thuộc Viện Chính sách chiến lược Úc, cho rằng cuộc khủng hoảng bị đẩy lên thêm một bậc mới, dẫn đến nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Nga. Trong khi đó, TS Robert Imre, chuyên gia về quan hệ quốc tế của Trường ĐH Newcastle (Úc), nói với trang News.com.au rằng nguy cơ đụng độ ở Syria sẽ dẫn đến sự tham gia của phần còn lại của thế giới. Theo ông Imre, nếu chiến tranh ủy nhiệm ở Syria có thêm sự góp mặt trực tiếp của các nước trong khu vực như Israel, Ả Rập Saudi..., nhiều mặt trận mới sẽ mở ra và châu Âu, nơi đang có mối quan hệ căng thẳng với Nga, cũng không ngoài cuộc. Và một lần nữa, cụm từ "chiến tranh thế giới thứ ba" nở rộ trên các trang tin và mặt báo.
XUÂN MAI
Bình luận (0)