Đứa trẻ bị bỏ rơi
22 năm trước, người phụ nữ tên Qian Fenxiang, khi đó đang mang bầu đứa con thứ 2, vất vả cùng chồng và con gái 3 tuổi lẩn trốn trên một chiếc thuyền ở kênh Tô Châu cách nhà 120 km để chờ ngày sinh nở. 6 tuần sau, bà hạ sinh đứa con thứ 2, đứa trẻ đáng lẽ phải bị phá bỏ từ khi còn là 1 bào thai vì chính sách một con hà khắc của Trung Quốc.
May mắn đã mỉm cười với cặp vợ chồng ông Xu Lida khi họ tìm thấy một phòng khám nhỏ gần nơi neo đậu và được một bác sĩ đồng ý giúp đỡ mà không báo cáo sự việc với chính quyền. 5 ngày sau, ông Xu thức dậy rất sớm và bế đứa con bé bỏng đến một khu chợ ở Tô Châu.
Bức thư ông Xu để lại cho con gái. Ảnh: Simon Song
Ông để con gái nằm đó cùng một bức thư với nội dung: "Con gái chúng tôi, Jingzhi, ra đời vào lúc 10 giờ ngày 24-7 âm lịch năm 1995. Vì sự nghèo khó và hoàn cảnh không cho phép mà chúng tôi buộc phải bỏ rơi con. Hỡi những bậc làm cha làm mẹ gần xa, xin hãy rủ lòng trắc ẩn. Cám ơn vì đã cứu giúp và chăm sóc con gái nhỏ của chúng tôi. Nếu như ông trời rủ lòng thương, nếu như chúng ta được số mệnh gắn kết, gia đình ta sẽ đoàn tụ trên cầu Đoạn Kiều ở Hàng Châu vào sáng ngày lễ Thất tịch trong 10 hoặc 20 năm nữa".
Được xem là ngày lễ Tình nhân ở Trung Quốc, lễ Thất tịch diễn ra vào ngày 7-7 âm lịch để đánh dấu ngày Ngưu Lang - Chức Nữ được gặp nhau trên cầu Ô Thước. Trong khi đó, giai thoại về cầu Đoạn Kiều xuất hiện trong một bài thơ về truyền thuyết Bạch Xà từ thời Đường. Đây là diễn ra cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Bạch Xà và Hứa Tiên.
Cuộc gặp bất thành
Bé Jingzhi và bức thư được chuyển đến bệnh viện trẻ em công cộng tại TP Tô Châu. Cùng lúc đó, gia đình ông Ken Pohler đến từ TP Hudsonville, bang Michigan - Mỹ, quyết định nhận nuôi đứa trẻ thông qua tổ chức Bethany Christian Services. Khi mang Jingzhi lên xe buýt, họ nhờ một người phiên dịch lá thư bố mẹ ruột bé gái để lại.
"Người phiên dịch rất xúc động và khóc nức nở khi đọc bức thư cho chúng tôi. Đó quả là những lời nhắn nhủ xuất phát từ trái tim" - ông Ken nói. Tuy nhiên, cặp vợ chồng không có ý định kể cho Kati nghe về chuyện này cho đến khi cô đủ 18 tuổi và bày tỏ mong muốn tìm được bố mẹ ruột.
Bé Kati và gia đình bố mẹ nuôi Pohler. Ảnh: SCMP
Kati được nuôi dạy như hầu hết những đứa trẻ khác tại một thị trấn có số dân khoảng 7.000 người. "Tôi có một tuổi thơ êm đềm và tốt đẹp. Tất cả mọi người đều biết tôi là con nuôi. Đây là điều quá rõ ràng nên tôi chưa từng hỏi gì về nó" - Kati nói.
Cô miêu tả gia đình của mình "rất ngoan đạo" và gần gũi. "Hai anh trai của tôi hơi lớn tuổi hơn một chút. Tôi nghĩ rằng nếu tôi có cảm thấy có gì đó khác biệt thì nguyên nhân chỉ là vì tôi nhỏ tuổi nhất và là con gái" - cô gái chia sẻ.
Năm 2005, khi Kati tròn 10 tuổi, vợ chồng ông Xu đến cầu Đoạn Kiều vào ngày lễ Thất tịch theo đúng lời hẹn ước. "Chúng tôi đến đó từ sớm, cầm theo một tấm bảng có tên con gái và những lời viết trong bức thư. Chúng tôi đã gần như chạy đến trước mặt tất cả những cô gái có mặt trên cầu ngày hôm đó. Thật tồi tệ" - ông Xu nói. Đáng tiếc là không có ai đến gặp họ nên gia đình ông Xu đành bỏ cuộc lúc 16 giờ trong tình trạng đói, khát và thất vọng.
Trong khi đó, nhà Pohler lại nhờ một người bạn tìm đến cây cầu vào ngày hôm ấy. "Chúng tôi nhớ lời hứa 10 năm trong bức thư. Chúng tôi đã cầu nguyện và nói chuyện với một người bạn thường đến Trung Quốc công tác. Anh ấy nói có thể nhờ một người phụ nữ tên Annie Wu tới gặp bố mẹ ruột của Kati trên cầu. Chúng tôi không muốn Kati dính líu đến chuyện quá mơ hồ như thế này nhưng điều quan trọng là chúng tôi muốn bố mẹ ruột Kati biết rằng con gái họ được nhận nuôi bởi một gia đình rất yêu thương con bé và cho nó một tổ ấm hạnh phúc" - ông Pohler nói.
Kati có một tuổi thơ rất êm đềm và tốt đẹp. Ảnh: SCMP
Cô Wu tìm đến cây cầu chỉ sau khi vợ chồng ông Xu rời đi khoảng vài phút. Khi không nhìn thấy bất kỳ gia đình nào có vẻ như đang tìm con, cô Wu định rời đi thì nhìn thấy một kênh truyền hình đang ghi hình cây cầu.
Vì vậy, cô nhờ họ kiểm tra lại các thước phim để xem có ai trông giống bố mẹ ruột của Kati không. May mắn đã mỉm cười khi ông Xu vô tình lọt vào khung hình trong lúc đang cầm tấm bảng có ghi tên của con gái.
Đối với các kênh truyền hình, đây là một cơ hội bằng vàng. Câu chuyện lập tức được phát sóng và được báo chí lẫn Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) chiếu đi chiếu lại. Một người bạn của gia đình ông Xu thấy bản tin trên TV nên báo lại với họ. Cặp vợ chồng vui mừng đến gặp cô Wu và được đưa cho một bức thư ẩn danh của nhà Pohler cùng vài tấm ảnh. Cô Wu hứa hẹn rằng sẽ có thêm tin tức về Kati.
Lễ Thất tịch trùng phùng
Điều ông Xu và bà Qian không ngờ là họ phải chờ thêm 1 thập kỷ nữa mới có thể gặp lại con gái bằng xương bằng thịt. Sau khi được thuật lại mọi việc, gia đình Pohler yêu cầu cô Wu chấm dứt mọi liên lạc với gia đình ông Xu ngay lập tức. Họ giải thích rằng họ nên chờ Kati lớn hơn và xem cô bé có muốn tìm hiểu về bố mẹ ruột không. Vì vậy, cô Wu đã đổi số điện thoại để cắt đứt mọi liên hệ với truyền thông và gia đình ông Xu.
Cuộc trùng phùng của gia đình ông Xu trên cầu Đoạn Kiều. Ảnh: Chang Changfu
Trong khi đó, vợ chồng bà Qian một mực tin chắc Kati chính là con gái Jingzhi của họ vì cô gái có đôi mắt giống hệt mẹ. Vì vậy, họ vẫn kiên trì quay lại cầu Đoạn Kiều vào mỗi mùa lễ Thất tịch. Sau đó, một nhà làm phim tài liệu tên Chang Changfu đã tìm gặp ông bà Xu để giúp đỡ họ.
Bằng những bằng chứng ít ỏi thu nhặt được trong bức thư ẩn danh, ông Chang lần ra thông tin của gia đình Pohler. Tuy nhiên, ông phải mất vài năm để thuyết phục ông bà Pohler rằng mình không có động cơ nào khác ngoài việc giúp 2 bên liên lạc với nhau. Gia đình Pohler đành giải thích lý do và nói họ sẽ không liên lạc với bố mẹ ruột của Kati đến khi cô gái tròn 20 tuổi.
Năm ngoái, khi Kati 21 tuổi và đang chuẩn bị cho một học kỳ trao đổi sinh viên với Tây Ban Nha thì chợt nghĩ rằng: "Mọi người sẽ hỏi mình về Trung Quốc và Mỹ". Vì vậy, cô quyết định hỏi mẹ về quá khứ và nhận được câu trả lời: "Bố mẹ nên nói với con rằng bố mẹ biết bố mẹ ruột của con là ai". Dù cảm thấy rất sốc và sợ hãi nhưng Kati vẫn muốn gặp ông bà Xu ngay lập tức nên đồng ý trở thành nhân vật chính trong bộ phim tài liệu của ông Chang.
Cuối cùng, họ cũng đoàn tụ với nhau trên cầu Đoạn Kiều vào lễ Thất tịch 2017. Giây phút đó, bà Qian lập tức bật khóc nức nở không ngừng sau nhiều năm khao khát tìm con. Con gái bà nay đã trở về nhà.
Bà Qian khóc nức nở không ngừng khi gặp lại con gái. Ảnh: SCMP
Kati ở nhà bố mẹ ruột trong 2 ngày và sống chung phòng với chị. Họ không nói chuyện với nhau được nhiều vì khác biệt ngôn ngữ. Cô gái cho biết cô rất ngạc nhiên khi nhìn thấy mẹ xúc động mạnh như vậy và cảm thấy lúng túng vì nhận được sự chăm sóc đặc biệt theo kiểu Trung Quốc.
"Điều đầu tiên họ nói là: 'Con gầy quá, con phải ăn nhiều hơn'. Nếu tôi không ăn thì họ sẽ ép tôi ăn. Tôi đoán họ đang rất kích động vì không được chăm sóc tôi trong suốt những năm qua" - Kati chia sẻ.
Về phần ông Xu và bà Qian, nhìn thấy Kati sống tốt khiến họ cảm thấy khuây khỏa và bớt đi phần nào nỗi hối hận trong hơn 20 năm qua. Cuộc đoàn tụ khiến họ mong muốn ở bên con gái lâu hơn nhưng có lẽ đây là điều rất khó khăn.
"Chúng tôi rất thất vọng khi con gái không gọi bố, mẹ. Chúng tôi bảo con làm thế nhưng Kati nói rằng ở Mỹ con cái gọi bố mẹ bằng tên. Điều này có đúng không?" - ông Xu hỏi. "Dù không thể hiểu nhau vì chúng tôi không nói được tiếng Anh còn con bé không nói tiếng Trung Quốc nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được rằng con bé rất tốt. Sau khi gặp được nó, chúng tôi còn nhớ nó nhiều hơn trước. Tôi nghĩ chúng tôi chỉ có thể tự nhủ rằng con bé đã đi lấy chồng xa thôi" - bà Qian tâm sự.
Bình luận (0)