Một trận động đất mạnh 6,3 độ Richter đã xảy ra ở Christchurch, một trong những thành phố lớn nhất New Zealand, vào giờ ăn trưa ngày 22-2, làm ít nhất 65 người thiệt mạng.
Nhiều tòa nhà cao tầng và nhà thờ bị sụp đổ, ô tô bị đè bẹp. Hơn 100 người được cho là vẫn còn bị chôn vùi trong đống đổ nát, trong đó có 12 sinh viên Nhật Bản đi du lịch. Đây được xem là một trong những thảm họa tồi tệ nhất và là thảm họa thiên nhiên làm chết nhiều người nhất ở nước này trong vòng 80 năm qua.
Hoang tàn, đổ nát
Điều đáng nói đây là trận động đất thứ hai xảy ra ở thành phố có 350.000 cư dân này trong vòng 5 tháng. Hơn nữa, trận động đất lần này đã gây ra nhiều thiệt hại hơn trận động đất hồi tháng 9-2010. Thị trưởng Christchurch Bob Parker đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và ra lệnh người dân sơ tán khỏi trung tâm thành phố.
Thủ tướng John Key đã tổ chức cuộc họp nội các khẩn cấp và tức tốc đến ngay Christchurch để quan sát tình hình. Ông nhận định: “Một cảnh tượng hoang tàn. Đây có lẽ là ngày đen tối nhất của New Zealand”.
Theo ông, con số tử vong có thể còn tăng lên. Thủ tướng J.Key cho rằng 8 hoặc 9 tòa nhà đã đổ sụp. Đồng thời, ông ra lệnh các giới chức làm việc nhanh tay để giải thoát số người đang bị mắc kẹt.
Theo hãng tin AP, ngọn tháp của ngôi nhà thờ lớn bằng đá ở thành phố này đã lật nhào xuống quảng trường trung tâm. Nhiều tòa nhà cao tầng đổ sụp, các bức tường đổ xuống nát vụn trên đường phố.
Lề đường và các con đường nứt toác ra, trong khi hàng ngàn người bàng hoàng rên la, khóc lóc và đi lang thang qua các đường phố. Trong khi đó, nhiều nhóm người giúp đỡ các nạn nhân cầm máu vết thương; những người khác được đưa lên những chiếc xe tư nhân.
Nhân viên cứu nạn tìm kiếm người bị mắc kẹt trong tòa nhà Pyne Gould Guinness. Ảnh: REUTERS
Sân bay đã đóng cửa. Bệnh viện Christchurch được sơ tán một thời gian ngắn và bệnh nhân đã được đưa trở lại. Điện bị cắt và đường dây điện thoại bị đứt. Nước tràn ngập đường phố vì nhiều đường ống nước bị vỡ. Một số ô tô đậu trên đường cũng bị chôn vùi dưới đống gạch vụn.
Nathanael Boehm, nhà thiết kế web, cho biết anh đang đứng gần đường ray xe điện thì xảy ra động đất. Anh chứng kiến cảnh mái hiên ở các tòa nhà đổ xuống đường phố bên dưới như thác.
Thêm 2 dư chấn
Cơ quan Thăm dò địa chất Mỹ (USGS) cho biết trong vòng 2 giờ đã xảy ra thêm 2 dư chấn – 5,6 độ Richter và 5,5 độ Richter ở New Zealand. Theo USGS, trận động đất này nằm trong chuỗi dư chấn xảy ra sau trận động đất 7,1 độ Richter ngày 4-9 năm ngoái. Một dư chấn mạnh vào tháng 12 năm ngoái đã gây thêm thiệt hại cho các tòa nhà. USGS còn cho biết lần này, động đất đã xảy ra gần trung tâm Christchurch hơn so với trận động đất hồi tháng 9-2010. |
Boehm nói: “Thật kinh khủng. Nhiều người bị chôn vùi dưới đống gạch vụn, họ bị hàng tấn bê tông phủ lên người”. Theo anh, một số người đã chết vì bị xô đẩy.
Nỗ lực giải cứu
Phó Thủ tướng Bill English cho biết binh sĩ đã được triển khai để giúp kéo những người bị mắc kẹt ra và tạo thành một hàng rào an ninh chung quanh khu vực bị ảnh hưởng. Ông nhấn mạnh: “Chính phủ muốn làm tất cả mọi việc có thể để nỗ lực giải cứu người bị nạn”.
Một số người bị mắc kẹt trên mái nhà được nhân viên cứu hỏa đưa xuống. Trong khi đó, tại nhiều địa điểm khắp thành phố, những cột khói lớn bốc lên từ những đám cháy trong đống gạch vụn. Các giới chức cảnh báo người dân tránh xa các tòa nhà đã bị hư hại do nguy cơ sụp đổ thêm nữa.
Một giới chức Nhật Bản cho biết các sinh viên Nhật đang tham quan thành phố này đã gọi điện về cho cha mẹ báo rằng họ bị kẹt trong một tòa nhà bị sụp đổ. Chín sinh viên và 2 giảng viên Trường Ngoại ngữ Toyama đã được giải cứu. Còn 12 sinh viên vẫn bị mắc kẹt.
Tòa nhà nhiều tầng Pyne Gould Guinness, với hơn 200 nhân viên làm việc, đã bị đổ sụp và số người bị mắc kẹt vẫn chưa được xác định. Đoạn phim truyền hình cho thấy một số người bị thương đã được kéo lên từ đống gạch vụn. Tiếng rên la vang lên từ dưới đống đổ nát.
Úc đã cử một đội tìm kiếm cứu nạn đến để giúp New Zealand. Thủ tướng Úc Julia Gillard khẳng định bà đã dành cho Thủ tướng J.Key bất cứ sự ủng hộ nào ông đề nghị.
Bình luận (0)