Thông tin trên do ông Daniel Obajtek, Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí quốc gia PKN Orlen của Ba Lan cho biết hôm 25-2.
Ông Obajtek viết trên trang mạng Twitter: "Chúng tôi đang đảm bảo nguồn cung một cách hiệu quả. Nga đã ngừng cung cấp dầu cho Ba Lan và chúng tôi đã được chuẩn bị cho điều đó. Chỉ 10% dầu thô nhập từ Nga và chúng tôi sẽ thay thế bằng dầu từ các nguồn khác".
PKN Orlen tuyên bố có thể cung cấp đầy đủ dầu thô cho các nhà máy của mình bằng đường biển và việc Moscow ngừng chuyển nhiên liệu qua đường ống sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng xăng, dầu diesel đến khách hàng.
Tuy nhiên, PKN Orlen không nêu lý do Nga ngừng nguồn cung. Các công ty và giới chức Nga chưa bình luận về thông tin này.
Thông tin Nga ngừng cung cấp dầu cho Ba Lan qua đường ống Druzhba xuất hiện một ngày sau khi Ba Lan thông báo đã chuyển 4 xe tăng chủ lực Leopard 2 đầu tiên tới Ukraine.
Nhà máy lọc dầu của Orlen ở Ba Lan. Ảnh: Bloomberg
Theo hãng tin Reuters, từ tháng 2, sau khi hợp đồng với Rosneft hết hạn, PKN Orlen đã nhận dầu theo thỏa thuận với công ty dầu khí Tatneft của Nga.
Đường ống Druzhba được miễn trừ khỏi các biện pháp trừng phạt mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lên Nga sau khi xảy ra giao tranh ở Ukraine.
Đường ống này cung cấp dầu cho Ba Lan, Đức, Hungary, Cộng hòa Czech, Slovakia và đã được loại trừ khỏi các lệnh trừng phạt của EU để hỗ trợ những quốc gia có ít lựa chọn vận chuyển thay thế. Hungary, Czech, Slovakia là những quốc gia không có biển.
PKN Orlen đã ngừng mua dầu qua đường biển từ Nga. Hiện tại, công ty này đang mua dầu từ Tây Phi, Địa Trung Hải, Vùng Vịnh và Vịnh Mexico. PKN Orlen cũng có hợp đồng cung ứng dầu với Saudi Aramco từ năm 2022.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal bắt tay các quân nhân Ba Lan bên cạnh lô xe tăng Leopard 2 đầu tiên được chuyển từ Ba Lan hôm 24-2. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, hãng AP đưa tin Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiếp tục kêu gọi tăng cường trừng phạt Nga sau khi EU, Mỹ công bố nhiều biện pháp trừng phạt mới.
Ngày 24-2, EU thông qua gói trừng phạt thứ 10 đối với Nga, nhắm vào hàng hóa lưỡng dụng xuất khẩu tới nước này, đúng dịp một năm chiến sự bùng phát.
Gói trừng phạt cũng được thiết kế để cắt giảm thương mại Nga - EU thêm hơn 10 tỉ Euro, đồng thời loại bỏ thêm nhiều ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, trong đó có ngân hàng tư nhân Alfa Bank và ngân hàng trực tuyến Tinkoff.
EU cũng đóng băng tài sản của 3 ngân hàng Nga và 7 thực thể của Iran, bao gồm các công ty, cơ quan, đảng phái chính trị hoặc các tổ chức khác. EU cho rằng 7 thực thể này đã cung cấp các máy bay không người lái quân sự cho Nga sử dụng trong xung đột.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ áp lệnh trừng phạt nhằm vào hơn 60 quan chức cấp cao cùng 3 doanh nghiệp liên quan chương trình hạt nhân của Nga.
Bình luận về vòng trừng phạt mới nhất do Tổng thống Joe Biden công bố hôm 24-2, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov gọi động thái này là "thiếu suy nghĩ".
Bình luận (0)