Trường Nghiên cứu phương Đông (Mỹ) hôm 17-5 công bố hình ảnh vệ tinh do DigitalGlobe chụp được, cho thấy Nga đang xây 1 căn cứ quân sự ở rìa phía Bắc TP Palmyra, miền Trung Syria.
Thành phố cổ được mệnh danh là “Cô dâu sa mạc” này trở về tay Damascus sau khi IS bị đẩy lui khỏi đây hồi tháng 3 vừa qua. Giám đốc Cơ quan quản lý Viện bảo tàng và Đồ cổ Damascus Maamoun Abdulkarim tiết lộ với hãng tin AP rằng, người Nga đang xây dựng các doanh trại nhỏ bao gồm văn phòng và phòng khám ở Palmyra.
Cả chính phủ Syria và Nga đều không bình luận về thông tin trên.
Nhóm phóng viên đài truyền hình RT (Nga) vừa tới thị trấn Suluk, cách cứ điểm Raqqa của IS chỉ 50 km để kiểm tra một ngôi mộ tập thể.
Ông Mohamed Jirkis, một chỉ huy người Kurd cho RT biết IS thường đưa các nạn nhân tới đây, sát hại họ rồi quẳng thi thể xuống một khe núi. Một nhân chứng tên Abdel Halif Al-Jasim cũng kể IS đưa người còn sống tới đây, bịt mắt rồi bắn trên đầu để họ sợ hãi bỏ chạy và ngã xuống khe núi. Theo Jasim, do khe núi rất sâu nên không ai biết đã có bao nhiêu người chết dưới đó.
Cũng trong ngày 17-5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cùng người đồng cấp Mỹ John Kerry chủ trì một cuộc đàm phán của Nhóm Hỗ trợ Syria Quốc tế (ISSG) tại Vienna, Áo.
Cuộc họp nhằm 2 mục đích chính: nỗ lực hàn gắn thỏa thuận chấm dứt chiến sự đang bị đổ vỡ và xúc tiến quá trình điều phối viện trợ nhân đạo cho các khu vực bị bao vây ở Syria, bao gồm điểm nóng Aleppo.
Nhóm 17 thành viên ISSG trong đó có Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Anh, Pháp, Liên minh châu Âu (EU) và Liên đoàn Ả Rập (AL) đang thảo luận phương án loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad cùng Iran – đồng minh quan trọng nhất của nhà lãnh đạo này.
Các quan chức Ả Rập và phương Tây cho biết họ không mong đợi cuộc đàm phán sẽ thu được kết quả khả quan. Theo Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về tình hình Syria Staffan de Mistura, ước tính hơn 400.000 người đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 năm qua tại Syria. Ông Mistura cũng đang ở Vienna để giám sát cuộc đàm phán với hy vọng sẽ khởi động một vòng đàm phán mới vào cuối tháng 5 này.
Giải pháp về quá trình chuyển tiếp chính trị ở Syria dự kiến sẽ được thực hiện vào tháng 8 tới. Nếu không, Ả Rập Saudi gợi ý họ sẽ cung cấp vũ khí hạng nặng cho quân nổi dậy Syria.
Bên phía Mỹ, Ngoại trưởng Kerry đề cập tới một kế hoạch B nhưng khá mơ hồ. Thêm vào đó, trong những tháng cuối cùng trước khi rời Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama cũng khó làm nên thay đổi mang tính bước ngoặt.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar – 2 nước ủng hộ chính cho quân nổi dậy Syria, đang chống lại nỗ lực của Nga để đưa người Kurd và thành viên đối lập ôn hòa vào các cuộc đàm phán hòa bình ở Geneva - Thụy Sĩ. Không những vậy, các quốc gia Ả Rập khác đang cảnh báo sự trỗi dậy của phong trào Mặt trận Al-Nursa liên kết Al-Qaeda cùng nhóm Jaysh al-Fateh do Ả Rập Saudi hậu thuẫn.
Tất cả yếu tố trên khiến tình hình Syria vẫn “rối như nồi canh hẹ”.
Sau cuộc họp, ngoại trưởng của các cường quốc trên vẫn chưa thể định được ngày nối lại các cuộc đàm phán về Syria.
Bình luận (0)