Kế hoạch gia nhập NATO của Phần Lan, được công bố hôm 12-5, cùng với nhận định Thụy Điển có thể tiếp bước sẽ dẫn đến sự mở rộng của NATO mà Tổng thống Nga Vladimir Putin nỗ lực ngăn chặn.
Việc Phần Lan từ bỏ chính sách trung lập được duy trì xuyên suốt Thế chiến sẽ là một trong những sự thay đổi đáng chú ý nhất liên quan đến an ninh châu Âu trong nhiều thập kỷ.
Mô tả thông báo của Phần Lan là "một động thái mang tính thù địch", Nga dọa tiến hành những bước đi đáp trả, bao gồm các biện pháp "quân sự-kỹ thuật" không nêu rõ. "Helsinki phải hiểu rõ trách nhiệm và hậu quả của một động thái như vậy" – Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Giới chức Nga trước đó đã nói về các biện pháp tiềm tàng, như triển khai tên lửa hạt nhân ở biển Baltic.
Nga cảnh báo Phần Lan về hậu quả nghiêm trọng nếu quốc gia này từ bỏ chính sách trung lập để gia nhập NATO. Ảnh: Reuters
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định Phần Lan sẽ được "chào đón nồng nhiệt", đồng thời cam kết một quá trình đánh giá "nhanh chóng và êm xuôi".
Tương tự, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố Washington ủng hộ việc Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO.
Trong khi đó, Phó đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Dmitry Polyanskiy mới đây thông báo Moscow đã thay đổi quan điểm về kịch bản Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Trước đây, Moscow không lo ngại Ukraine gia nhập EU nhưng lập trường này đã thay đổi, Phó đại sứ Polyanskiy nói trong cuộc phỏng vấn hôm 12-5 với Unherd News. Điều này đồng nghĩa mọi thỏa thuận hòa bình tiềm tàng giữa Moscow và Kiev sẽ không chấp nhận Kiev gia nhập EU.
Vị này giải thích quốc gia của ông thay đổi lập trường vì hành vi của Brussels kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine hồi cuối tháng 2. Cụ thể là Moscow nhận thấy EU đã trở thành một thực thể liên kết chặt chẽ với NATO.
Phó đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Dmitry Polyanskiy. Ảnh: Reuters
Quan chức ngoại giao Nga khẳng định có thể thấy điều này qua tuyên bố gần đây của Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh EU Josep Borrell, người mà ông khẳng định là thể hiện ý muốn về giải pháp quân sự cho xung đột Nga-Ukraine.
"Mọi chuyện đã thay đổi sau khi ông Borrell tuyên bố cần giành phần thắng trên chiến trường, cũng như theo sau thực tế rằng EU dẫn đầu trong việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine" – ông Polyanskiy nói, theo RT.
Vị này đồng thời thừa nhận xung đột Nga-Ukraine đã leo thang đến mức còn rất ít khoảng trống cho giải pháp ngoại giao. Nguyên nhân, theo ông Polyanskiy, là thiếu các cuộc đối thoại mang tính xây dựng trong khi Ukraine không giữ cam kết và phương Tây nỗ lực khiến căng thẳng gia tăng.
Xung đột Nga-Ukraine đến giờ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh chụp tại TP Mariupol - Ukraine hôm 12-5. Ảnh: Reuters
Bình luận (0)