Ước tính 100.000 người đã tháo chạy khỏi nhiều thành phố lớn ở Ukraine. Quân đội Nga đã chiếm giữ nhà máy hạt nhân Chernobyl - nơi từng xảy ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới vào năm 1986 - ở phía Bắc thủ đô Kiev khi họ tiếp cận khu vực này từ hướng Belarus.
Theo Reuters, sở dĩ cả Nga và Ukraine đều muốn giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân bỏ hoang này vì Chernobyl nằm trên tuyến đường ngắn nhất từ Belarus, nơi quân đội Nga đang tập kết, đến Kiev.
Ông Jack Keane, cựu tham mưu trưởng quân đội Mỹ, gọi tuyến đường có Chernobyl là một trong 4 trục đường mà lực lượng Nga dùng để tấn công Ukraine. Các tuyến đường còn lại là từ Belarus, từ Nga xuống phía Nam vào TP Kharkiv của Ukraine và từ bán đảo Crimea lên phía Bắc đến TP Kherson.
Người dân trong một điểm trú ẩn ở Kiev hôm 25-2. Ảnh: REUTERS
Theo đài NBC News, bà Evelyn Farkas, cựu phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Nga, Ukraine và Âu - Á dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nhận định: "Nga muốn chiếm Chernobyl vì họ muốn nắm quyền kiểm soát toàn bộ Ukraine. Họ muốn bao vây thủ đô Kiev".
Ông Tim Mousseau, giáo sư sinh học tại Trường ĐH Nam Carolina, người đã nghiên cứu Chernobyl trong hơn 20 năm, cho rằng quyết định của Nga tiến vào Ukraine thông qua một khu vực dễ bị tổn thương như Chernobyl là dấu hiệu cho thấy chiến sự sẽ leo thang.
Theo chuyên gia này, ác mộng tồi tệ nhất sẽ thành hiện thực nếu khu vực tích trữ nhiên liệu hạt nhân bị trúng bất cứ loại tên lửa nào, khiến các chất phóng xạ lan rộng gây ra thảm họa lớn hơn cả thảm họa năm 1986.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 25-2 cho rằng Tổng thống Ukraine là "mục tiêu chính trong cuộc tấn công của Nga". Theo ông Price, vài tuần trước, Mỹ cho rằng các đặc vụ Nga đã vào Ukraine và hoạt động theo kế hoạch định sẵn. Bản thân Tổng thống Zelensky hôm 24-2 lên tiếng rằng ông là "mục tiêu số 1" của Nga nhưng quyết ở lại Kiev.
Nga chiếm nhà máy hạt nhân Chernobyl
Bình luận (0)