Động thái trên làm trầm trọng thêm những thách thức mà châu Âu đối mặt trong việc đảm bảo nhiên liệu cho mùa đông tới. Theo kế hoạch, đường ống Nord Stream 1, chạy dưới Biển Baltic cung cấp khí đốt cho Đức và các nước khác, sẽ được nối lại hoạt động sau 3 ngày tạm dừng để bảo trì vào lúc 1 giờ (giờ địa phương) ngày 3-9.
Tuy nhiên, Tập đoàn khí đốt Gazprom (Nga) hôm 2-9 cho biết họ không thể đưa ra thời gian nối lại hoạt động cung cấp khí đốt sau khi phát hiện rò rỉ, có nghĩa là tuabin đường ống không thể vận hành an toàn. Tập đoàn khí đốt Gazprom (Nga) thông báo: "Cho đến khi các vấn đề về hoạt động của thiết bị được giải quyết, nguồn cung khí đốt qua đường ống Nord Stream sẽ bị ngừng hoàn toàn".
Đường ống thuộc Nord Stream 1 tại cơ sở ở Lubmin - Đức. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Siemens Energy, công ty thường cung cấp tuabin cho Nord Stream 1, cho biết sự cố rò rỉ không thể ngăn đường ống hoạt động. Công ty cũng cho biết trạm máy nén Portovaya, nơi xảy ra sự cố, có các tuabin khác để tiếp tục hoạt động.
Nga cáo buộc các lệnh trừng phạt của phương Tây đã cản trở việc vận hành và bảo trì thường kỳ của Nord Stream 1. Đáp lại, Brussels cho rằng đây là cái cớ và Nga đang sử dụng khí đốt như một vũ khí kinh tế để trả đũa.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng Liên minh châu Âu (EU) nên áp giá trần với khí đốt Nga để ngăn chặn những gì được xem là nỗ lực thao túng thị trường.
Trong khi đó, theo Reuters, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết Nga sẽ cắt nguồn cung khí đốt đến châu Âu nếu châu Âu áp giá trần. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trước đó cho rằng có thể còn nhiều gián đoạn hơn nữa đối với việc cung cấp khí đốt qua Nord Stream 1.
Theo CNN, EU đã tăng cường nhập khẩu từ các nhà cung cấp thay thế và vượt quá mục tiêu dự trữ nhưng nguồn cung giảm hơn nữa có thể đẩy giá khí đốt bán buôn cao hơn nữa.
Lạm phát giá tiêu dùng ở 9 quốc gia sử dụng đồng euro đã đạt 9,1% vào tháng trước, mức cao nhất trong 25 năm, theo ước tính ban đầu của văn phòng thống kê EU. Giá năng lượng là động lực lớn nhất của lạm phát, tăng 38% trong năm nay tính đến tháng 8.
Bình luận (0)