Theo Live Mint, Nga đã tiếp cận một số nước châu Á cùng bản hợp đồng giảm 30% giá dầu trong dài hạn.
Bộ trưởng Du lịch Indonesia Sandiaga Uno trong một tuyên bố trên mạng xã hội Instagram vào cuối tuần rồi cho biết Nga đã đề nghị bán dầu cho quốc gia của ông "với giá thấp hơn 30% so với giá thị trường quốc tế".
Bộ trưởng Uno cho biết Tổng thống Joko Widodo đang xem xét nhưng chưa chốt thỏa thuận vì lo ngại Indonesia "có thể bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận của Mỹ ".
Một quan chức giấu tên của phương Tây khẳng định với hãng tin Bloomberg rằng bước đi trên có thể là một tín hiệu cho thấy Moscow đang nỗ lực đối phó kịch bản G7 (Nhóm 7 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới) cấm vận dầu Nga.
Nhiều nước cấm vận dầu Nga để phản ứng cuộc xung đột Nga - Ukraine. Ảnh: Reuters
Dưới sức ép của làn sóng trừng phạt đến từ phương Tây, Nga đang tăng cường xuất khẩu dầu sang châu Á cùng những thị trường xa xôi khác, theo giới quan sát và dữ liệu của công ty Refinitiv (Anh).
Liên minh châu Âu (EU) đã giảm nhập khẩu các sản phẩm dầu Nga từ tháng 3-2022 và đã thống nhất sẽ ngừng nhập khẩu hoàn toàn từ tháng 2-2023. Dữ liệu của Refinitiv cho thấy nhập khẩu dầu Nga của Hà Lan và Estonia trong tháng 8-2022 là 0, so với lần lượt 365.000 và 170.000 tấn của tháng trước đó.
Ở chiều hướng khác, nhập khẩu dầu Nga của Singapore tháng này có thể chạm ngưỡng 350.000 tấn, so với mức 0 của tháng 6 và tháng 7-2022. Xuất khẩu dầu Nga theo dạng tàu đến tàu (STS) đến cảng Kalamata của Hy Lạp cũng tăng gần 25% so với tháng trước, lên gần 1 triệu tấn vào tháng 8-2022.
Indonesia chưa chốt hợp đồng mua dầu Nga vì lo ngại lệnh trừng phạt từ Mỹ. Ảnh: Reuters
Bình luận (0)