Theo Ngoại trưởng Lavrov, Nga lo ngại sâu sắc về nguy cơ tấn công Iran và gọi hậu quả của cuộc chiến là "thảm họa" vì sẽ khoét sâu thêm chia rẽ trong thế giới Hồi giáo, trước hết giữa cộng đồng người Sunni và người Shiite, tiếp đó dẫn đến một cuộc khủng hoảng người tị nạn trong khu vực và kích động căng thẳng giữa các cộng đồng trong khu vực.
"Tấn công Iran là thảm họa"
"Tôi chắc chắn nó chỉ đổ thêm dầu vào ngọn lửa vốn đang âm ỉ trong cuộc xung đột Sunni-Shiite. Và tôi không biết khi nào những phản ứng tiếp theo mới kết thúc" - ông Lavrov nói.
Ngoại trưởng Nga khẳng định Moscow quyết ngăn tấn công vào Iran và Syria. Ảnh: BGNES
Cùng ngày 18-1, Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi khẳng định Tehran đã sẵn sàng tham gia đàm phán hạt nhân với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực của HĐBA LHQ là Nga, Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Anh cùng với Đức). Địa điểm đàm phán có thể là Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ. |
Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Tehran cũng không giúp ích gì cho nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân, mà ngược lại, làm phương hại kinh tế và khiến người dân Iran bất bình, theo nhận định của Ngoại trưởng Nga.
Chính vì vậy, Moscow kêu gọi phương Tây tập trung đàm phán với Iran, đặc biệt là sau khi Iran bật tín hiệu cho thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trở lại vào cuối tháng 1 này. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak cũng tuyên bố giải pháp quân sự đối với Iran vẫn là “một lựa chọn xa vời”.
Tuy nhiên, các nhà phân tích tỏ ra nghi ngờ Nga đủ sức đóng vai trò quyết định ở Iran. “Nga không còn nhiều ảnh hưởng thật sự ở Trung Đông, cả về kinh tế và quân sự. Iran không thể dựa vào sự bảo vệ của Nga, trong khi Mỹ và Israel rõ ràng không sợ tuyên bố của Moscow. Chắc chắn Nga sẽ không tham chiến vì Iran” – chuyên gia Sergei Demidenko của Viện Nghiên cứu chiến lược Moscow nói với RIA Novosti.
Một phân tích khác cho rằng Nga chống lưng cho Iran cũng là do ngại Tehran có thể ủng hộ tài chính và hỗ trợ nhóm Hồi giáo cực đoan ở vùng Bắc Caucasus.
“Chẳng ai muốn bom hạt nhân của Iran cả, nhưng chúng ta phải đảm bảo Iran không tấn công lực lượng của Nga ở Bắc Caucasus. Iran rất dễ dàng tạo ra một lực lượng nào đó trong lãnh thổ Nga như từng hỗ trợ Hezbollah ở miền nam Lebanon” – ông Yevgeny Satanovsky của Viện Nghiên cưu Trung Đông cho biết.
"Sẽ phủ quyết để ngăn can thiệp quân sự vào Syria"
Về tình hình Syria, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh Nga không ủng hộ các biện pháp cấm vận đơn phương nhằm vào Damascus, trong đó có đề nghị lập vùng cấm bay trên không phận Syria cũng như phương án triển khai binh sĩ nước ngoài tới nước này.
Trong khi coi dự thảo nghị quyết do Nga và Trung Quốc đệ trình Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) nhằm chấm dứt bạo lực và bắt đầu đối thoại giữa tất cả các bên ở Syria là “công bằng và đúng đắn”, Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố Nga sẵn sàng đứng ra tổ chức đàm phán nếu địa điểm đàm phán ở Cairo - Ai Cập không được chấp thuận.
Khi được yêu cầu giải thích việc một con tàu của Nga bị cáo buộc chở đạn dược tới Syria hồi tuần trước, Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố: "Chúng tôi thấy không cần phải giải thích hay chứng minh điều gì vì chúng tôi không vi phạm bất cứ hiệp định quốc tế cũng như nghị quyết nào của HĐBA LHQ. Đối với chúng tôi, ranh giới đỏ rất rõ ràng. Chúng tôi sẽ không ủng hộ bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Syria".
Ông Lavrov cũng phàn nàn phương Tây đã áp dụng các biện pháp trừng phạt Damascus mà không hề thảo luận với Nga hoặc Trung Quốc.
Ngoại trưởng Lavrov nêu rõ Nga sẽ sử dụng quyền phủ quyết tại HĐBA để ngăn chặn bất kỳ đề xuất can thiệp quân sự nào ở Syria, sau khi có đề nghị của Quốc vương Qatar Sheikh Hamad bin Khalifa al-Thani về việc cử binh lính Ả Rập tới Syria.
Bình luận (0)