Dư luận báo chí đang cố tìm hiểu xem chính quyền Nga đã lấy kinh phí từ đâu để duy trì chiến dịch quân sự ở Syria trong lúc nền kinh tế nước này lâm vào cảnh suy thoái.
Phân tích dự thảo ngân sách Nga năm 2016, báo Financial Times (Anh) đánh giá chi phí cho các cuộc không kích cũng như cho các tàu chiến của Nga tham gia chiến dịch ở Syria không tốn kém quá nhiều.
Đồng thời, một nguồn tin cấp cao từ chính phủ Nga tiết lộ hoạt động quân sự ở Syria sử dụng kinh phí dôi ra từ việc giảm số lượng và quy mô các cuộc tập trận trong nước, dù Bộ Quốc phòng Nga chưa hề thông tin chi tiết về phí tổn các cuộc tập trận.
Các chuyên gia cho rằng Nga có thể dễ dàng trang trải phí tổn của chiến dịch quân sự ở Syria là do lâu nay, nước này cấp ngân sách cho quốc phòng nhiều hơn mức cần thiết. “Mặc dù quân số thực của các lực lượng vũ trang Nga là khoảng 850.000 nhưng con số công bố chính thức là 1 triệu quân và Bộ Tài chính vẫn cấp kinh phí cho 1 triệu người” - Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga Ruslan Pukhov thừa nhận.
Ngoài ra, ngay cả khi tiến hành không kích ở Syria trong suốt 1 năm với cường độ như hiện nay, Nga sẽ chỉ phải chi chưa đến 3% khoản ngân sách quốc phòng 51 tỉ USD cho tài khóa 2016, theo tổ chức nghiên cứu quốc phòng IHS Jane’s.
Thậm chí, ngân sách này còn tăng 0,8% do chính phủ Nga đã hủy bỏ một số khoản giảm bớt như kế hoạch trước đây. Vì thế, không có gì khó hiểu khi phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tự tin tuyên bố chiến dịch chống khủng bố ở Syria không hề là gánh nặng cho ngân sách nước Nga.
Các chuyên gia ước tính từ ngày 30-9 đến 20-10, Nga đã chi từ 80-115 triệu USD cho chiến dịch quân sự ở Syria. Theo IHS Jane’s, 1 chiến đấu cơ tiêu tốn 12.000 USD/giờ bay, còn đối với trực thăng là 3.000 USD/giờ. Với nhịp độ ném bom như hiện nay, Moscow chi trung bình gần 710.000 USD/ngày đêm cộng với khoảng 750.000 USD chi phí bom đạn. Thêm vào đó, các tàu chiến ở Địa Trung Hải cần 200.000 USD/ngày cộng với 250.000 USD/ngày chi phí hỗ trợ - về hậu cần, tình báo, liên lạc và kỹ thuật.
Như vậy, chiến dịch quân sự của Nga ở Syria cần tối thiểu 2,4 triệu USD/ngày trong khi các nhà phân tích IHS Jane’s nhận định phí tổn thực sự có thể lên đến 4 triệu USD/ngày. Số tiền đó chẳng thấm vào đâu so với mức 10 triệu USD/ngày mà Mỹ chi ở Iraq và Syria.
Hơn nữa, chiến dịch không kích của Nga ở Syria còn có quy mô nhỏ hơn một số cuộc tập trận của các lực lượng vũ trang Nga trong mấy tháng gần đây. Chưa hết, theo báo The Moscow Times, Nga sử dụng rất ít vũ khí đắt tiền ở Syria. Ngoài loại tên lửa hành trình, hầu hết bom đạn ném xuống lãnh thổ Syria đều là loại bom rơi tự do từ thời Liên Xô còn dự trữ rất nhiều trong kho.
Trong một diễn biến khác, theo hãng tin Interfax, giải thích nguyên nhân liên minh do Mỹ đứng đầu không thực hiện một vụ không kích nào ở Syria kể từ ngày 22-10, Lầu Năm Góc tuyên bố do không có mục tiêu để ném bom, chứ không liên quan gì đến hoạt động quân sự của Nga.
Hứa giúp đỡ Afghanistan
Chính quyền Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani vừa đề nghị Nga hỗ trợ vũ khí để giúp họ chống lại nhóm nổi dậy Taliban, trong dấu hiệu cho thấy tình hình an ninh ngày càng tồi tệ ở quốc gia Nam Á này. Đây là nội dung thảo luận giữa Phó Tổng thống Afghanistan Abdul Rashid Dostum và các quan chức quốc phòng Nga ở thủ đô Moscow trong tháng này.
Theo báo Daily Mail (Anh) ngày 27-10, Đại sứ Nga tại Afghanistan, ông Alexander Mantytskiy, cho biết chính phủ Nga đang cân nhắc yêu cầu giúp đỡ về mặt quân sự nói trên. “Chúng tôi sẽ cung cấp một số hỗ trợ nhưng điều này không có nghĩa binh sĩ Nga sẽ hiện diện trên lãnh thổ Afghanistan” - ông Mantytskiy nói.
Động thái này cũng cho thấy Nga đang lo ngại tình hình an ninh xấu đi ở Afghanistan có thể gây bất ổn khu vực và đưa chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đến gần biên giới mình.
Dù vậy, một số chuyên gia nhận định việc Nga giúp đỡ lực lượng Afghanistan có thể khiến quan hệ giữa Moscow và phương Tây thêm căng thẳng sau khi hai bên đang hục hặc vì chiến dịch không kích IS của Nga ở Syria.
Trong một diễn biến khác, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ hôm 27-10 bắt giữ 30 đối tượng trong một cuộc đột kích chống IS ở TP Konya. Trước đó một ngày, một loạt chiến dịch tương tự cũng diễn ra khắp nước này, trong đó có cuộc bố ráp hơn chục ngôi nhà ở TP Diyarbakir, khiến 7 tay súng thiệt mạng và 12 người bị bắt giữ.
Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng cường trấn áp IS theo sau vụ đánh bom kép ở thủ đô Ankara làm hơn 100 người thiệt mạng vào đầu tháng này.
Xuân Mai
Bình luận (0)