Trong một tuyên bố ngày 12-1, Nga đổ lỗi cho Armenia vì đã hủy bỏ các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai bên và kêu gọi Armenia quay trở lại bàn đàm phán. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhận định: "Thật khó để đánh giá lập trường của Armenia khi các tuyên bố chính thức của họ bất đồng".
Bà Maria Zakharova cho rằng việc Armenia quyết định rút khỏi các cuộc đàm phán hòa bình dự kiến tổ chức vào tháng 12-2022 tại Moscow "đã ngăn chúng tôi thảo luận về hiệp ước hòa bình".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nói thêm: "Nếu Armenia thực sự quan tâm đến việc giải quyết những vấn đề này thì cần tiếp tục làm việc cùng nhau".
Theo hãng tin TASS, bà Maria Zakharova nhấn mạnh đề xuất của Nga cung cấp một nền tảng cho các cuộc đàm phán giữa Armenia và Azerbaijan vẫn còn hiệu lực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: TASS
Trước đó, vào tháng 11-2022, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết các đề xuất của Nga có thể trở thành cơ sở cho các cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ với Azerbaijan. Thủ tướng Pashinyan nhấn mạnh Armenia ủng hộ các đề xuất do phía Nga đưa ra hồi tháng 8 năm ngoái, cho rằng các đề xuất này có thể trở thành cơ sở cho các cuộc đàm phán tiếp theo nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan.
Quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan đã trở nên căng thẳng liên quan quyền kiểm soát khu vực Nagorno-Karabakh. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào Armenia.
Hồi tháng 9-2022, Azerbaijan và Armenia xác nhận thông tin về các cuộc đụng độ, phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn mong manh ở Nagorno-Karabakh. Ảnh: Telegram
Khi căng thẳng giữa Armenia và Azerbaijan leo thang thành xung đột vũ trang đẫm máu khiến hàng ngàn người thiệt mạng vào năm 2020, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) không có bất cứ động thái can thiệp nào, nhường lại vai trò trung gian hòa giải cho Nga tại vùng Kavkaz, nơi được coi là "sân sau" của Nga.
Sau đó, Armenia và Azerbaijan ký tuyên bố ngừng bắn. Theo thỏa thuận này, Armenia trả lại 4 vùng lãnh thổ đang kiểm soát cho Azerbaijan, còn Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình vào hành lang kiểm soát giữa khu vực Nagorno-Karabakh và Armenia trong 5 năm.
Kể từ thời điểm đó đến nay, Nga đóng vai trò là bên kiểm soát và giám sát tình hình, ngăn mâu thuẫn Armenia - Azerbaijan leo thang thành xung đột. Tuy nhiên, theo nhận định của nhà bình luận Lara Setrakian trên CNN, khi Nga dồn lực cho cuộc chiến ở Ukraine, nước này dường như không còn là "trọng tài" hiệu quả giữa hai nước vùng Kavkaz.
Bình luận (0)