Ông Putin đưa ra tuyên bố này trong chuyến thăm Tula, một trung tâm sản xuất vũ khí. Ông Putin cho rằng: "Nhiệm vụ chính quan trọng nhất của tổ hợp công nghiệp-quân sự của chúng ta là cung cấp cho các đơn vị và lực lượng tiền tuyến mọi thứ họ cần: vũ khí, thiết bị, đạn dược và thiết bị với số lượng cần thiết và chất lượng phù hợp trong khung thời gian ngắn nhất có thể. Điều quan trọng nữa là phải hoàn thiện và cải thiện đáng kể các đặc tính kỹ thuật của vũ khí và trang thiết bị cho các binh sĩ dựa trên kinh nghiệm chiến đấu mà chúng ta có được".
Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) thăm trung tâm sản xuất vũ khí ở Tula, Nga. Ảnh: EPA-EFE
Cũng trong hôm 23-12, ông Putin yêu cầu các chuyên gia công nghiệp quốc phòng làm việc trực tiếp với các lực lượng tiền tuyến để tinh chỉnh vũ khí và thiết bị quân sự một cách thường xuyên. Ông Putin trong tuần này cũng đã yêu cầu quân đội Nga phải rút kinh nghiệm và khắc phục những vấn đề mà họ đã mắc phải ở Ukraine, đồng thời cam kết sẽ cung cấp cho quân đội bất cứ điều gì họ cần để cho cuộc chiến ở Ukraine.
Ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang chịu áp lực phải giao hàng. Theo hãng tin Reuters, một lãnh đạo công đoàn ở khu vực Urals nói với hãng tin Tass vào tuần trước rằng các công ty tiếp nhận đơn đặt hàng quốc phòng ở đó đã chuyển sang làm việc 6 ngày một tuần và các công nhân làm việc theo ca lên tới 12 giờ.
Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu hôm 23-12 cũng đã đến thăm nhà máy sản xuất vũ khí Kalashnikov ở Izhevsk và nói với giám đốc ở đây rằng Nga sẽ "tăng đáng kể" đơn đặt hàng vào năm tới.
Trong khi đó, hãng thông tấn TASS đưa tin Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov hôm 23-12 đã so sánh tình trạng quan hệ Mỹ-Nga với "kỷ băng hà" và nói rằng nguy cơ xảy ra xung đột giữa hai nước là cao.
Ông Anatoly Antonov cho rằng các cuộc tiếp xúc với quan chức chính quyền Mỹ diễn ra không thường xuyên và chủ yếu qua điện thoại hoặc email. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy Washington sẵn sàng tìm kiếm giải pháp ngoại giao để bình thường hóa quan hệ song phương.
Theo Đại sứ Nga, Mỹ không muốn đoạn tuyệt hoàn toàn và đang cố kiểm soát cuộc khủng hoảng do họ hiểu hậu quả của các bước đi quá đột ngột trong quan hệ với Nga, đặc biệt khi đây là hai cường quốc hạt nhân lớn nhất.
Đại sứ Nga cho rằng giới chức Mỹ nhận ra sẽ không thể giải quyết hoặc tìm ra câu trả lời cho thách thức toàn cầu nếu thiếu Nga, trong đó có khủng hoảng lương thực. Nhà Trắng cũng cần một kênh liên lạc để giải quyết các vấn đề mới trong quan hệ Nga - Mỹ như trao đổi tù nhân.
Bình luận (0)