Khi đón tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại TP Nagato vào ngày 15-12, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của G7 (nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới) làm điều này từ lúc Moscow sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Cái gai khó nhổ
Việc lựa chọn khu suối nước nóng làm nơi diễn ra cuộc gặp cho thấy ông Abe hy vọng quan hệ hai nước có thể ấm dần lên. Tuy nhiên, đây là sứ mệnh không dễ dàng bởi cái gai lớn nhất trong quan hệ hai nước - tranh cãi về chủ quyền quần đảo được Nga gọi là Kuril và Nhật gọi là vùng lãnh thổ phương Bắc - chưa được nhổ bỏ.
Bản thân ông Putin, cũng như giới chức Nga, cho rằng chuyến thăm khó có thể mang lại đột phá về tranh chấp lãnh thổ kéo dài 70 năm qua khiến 2 nước chưa thể ký hiệp ước hòa bình thời hậu Thế chiến II.
“Việc không có hiệp ước hòa bình giữa Nga và Nhật là một sai lầm từ quá khứ và nên được loại bỏ. Tuy nhiên, câu hỏi khó là làm điều này như thế nào” - ông Putin thừa nhận khi trả lời phỏng vấn giới truyền thông Nhật trước thềm chuyến đi. Dù vậy, ông Putin cho biết Nga sẽ nỗ lực đạt được hiệp ước bởi nước này muốn “bình thường hóa quan hệ hoàn toàn” với Nhật.
Sau cuộc gặp ở Nagato, ông Abe sẽ tiếp tục hội đàm với ông Putin tại thủ đô Tokyo vào ngày 16-12. Tuy nhiên, một số chuyên gia chỉ ra rằng vẫn còn nhiều trở ngại cần vượt qua nếu 2 nước muốn đi đến một thỏa thuận nào đó về vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Thực tế, các cuộc thương thảo nghiêm túc về vấn đề này chỉ mới bắt đầu sau khi ông Putin tiếp ông Abe ở TP Sochi - Nga hồi tháng 5 vừa qua. “Bảy tháng là khoảng thời gian quá ngắn cho việc tháo gỡ nút thắt phức tạp này” - ông Kazuhiko Togo, cựu đại sứ Nhật tại Hà Lan, nhận định.
Phá băng bằng kinh tế
Moscow cho đến giờ vẫn chưa cho thấy dấu hiệu nhượng bộ. Trong cuộc phỏng vấn được phát hôm 13-12 nêu trên, nhà lãnh đạo Nga tin rằng 2 nước không có tranh chấp chủ quyền nào liên quan đến quần đảo Kuril và Nhật Bản phải có những nhân nhượng nhất định nếu muốn hoàn tất hiệp ước hòa bình.
Trước đó, trả lời phỏng vấn trang Bloomberg hồi đầu tháng 9, Tổng thống Putin cũng nói cứng rằng Nga không mặc cả về vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Trong động thái chứng tỏ ông Putin không nói suông, Nga vào tháng rồi được cho là đã đưa tên lửa phòng thủ bờ biển đến quần đảo Kuril, dẫn đến phản ứng mạnh của Nhật.
Phản ứng trên khiến giới phân tích nhận định Tokyo khó có khả năng dùng đòn bẩy kinh tế để buộc Moscow xuống nước ngay cả khi kinh tế Nga đang gặp khó. Kịch bản này càng thêm khó sau khi quan hệ Nga - Mỹ vốn đang căng thẳng bất ngờ nhận được cú hích từ sự thắng cử của tỉ phú Donald Trump.
Dù vậy, cánh cửa dẫn đến bình thường hóa quan hệ Nga - Nhật không phải đóng sập hoàn toàn. Theo ông Putin, 2 nước cần nhất trí về những điều kiện cho hiệp ước hòa bình dựa trên niềm tin và hoạt động kinh tế chung. Phát biểu này phần nào cho thấy kinh tế là lĩnh vực hợp tác khả dĩ nhất giữa 2 nước hiện giờ.
Theo AP, Nga đang muốn thu hút đầu tư của Nhật Bản, nhất là tại vùng Viễn Đông. Trong khi đó, ông Hiroshige Seko, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, nói khoảng 30 thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp 2 nước dự kiến được ký kết trong chuyến thăm của ông Putin. Theo ông Seko, đây là sự hợp tác mang lại lợi ích cho cả 2 bên, ít nhất là trong quan hệ kinh tế.
Kim ngạch thương mại song phương giảm 31%, xuống còn 21,3 tỉ USD, một phần vì Nhật tham gia trừng phạt Nga do cuộc khủng hoảng Ukraine. Đây lại là một thách thức nữa trong quan hệ Nga - Nhật bởi ông Putin thắc mắc làm thế nào 2 nước thúc đẩy hợp tác kinh tế trong lúc các biện pháp trừng phạt còn tồn tại.
Trước thềm chuyến thăm, Bộ trưởng Seko nhấn mạnh bất kỳ sự hợp tác kinh tế Nhật - Nga nào cũng sẽ không phá hoại sự đoàn kết của G7 đối với vấn đề trừng phạt Moscow.
Bình luận (0)