Bà Zakharova viết trên kênh Telegram hôm 18-12 rằng hội nghị thượng đỉnh giữa EU và các quốc gia Tây Balkan vào đầu tháng này diễn ra sau sự leo thang căng thẳng giữa Serbia và Kosovo cho thấy các hành động của Brussels có thể góp phần làm trầm trọng thêm tình hình.
Khi các cuộc biểu tình căng thẳng vẫn đang gia tăng trên đường phố của các thành phố ở Kosovo, lãnh đạo cơ quan hành pháp Kosovo Albin Kurti chính thức nộp đơn gia nhập EU. Bà Zakharova cho rằng "một tiến trình chính trị" đã được khởi động.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: Reuters
Bà Zakharova nhấn mạnh kịch bản tương tự về việc gia nhập NATO được cho là đã khiến cựu Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili tấn công Abkhazia và Nam Ossetia, cũng như lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga đóng quân ở đó vào năm 2008.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố: "Một mặt, EU ra vẻ đang dẫn dắt Serbia đến một tương lai tươi sáng, mặt khác thực hiện các hành động khiêu khích chống Serbia. Đây là sự phản bội ngay từ đầu". Bà Zakharova so sánh mối quan hệ giữa Brussels và Belgrade với "một cuộc hôn nhân bắt đầu bằng ngoại tình".
Theo đài RT, Serbia mất quyền kiểm soát Kosovo vào năm 1999 sau khi NATO không kích Serbia. EU và Mỹ tiếp tục ủng hộ nền độc lập Kosovo khi khu vực ly khai này đơn phương tuyên bố tách khỏi Serbia vào năm 2008. Tuy nhiên, Serbia vẫn xem khu vực này là một phần lãnh thổ của mình.
Belgrade đã cáo buộc phương Tây phớt lờ những bất bình của người Serbia ở Kosovo, đồng thời kêu gọi người Serbia ở Kosovo duy trì hòa bình và không khiêu khích. Giới lãnh đạo Kosovo hiện tại khẳng định họ chỉ có thể thảo luận về việc công nhận hoàn toàn với Belgrade, điều mà Serbia đã liên tục bác bỏ.
Trong khi đó, phái bộ NATO tại Kosovo hôm 18-12 thông báo sẽ tổ chức các cuộc tập trận quân sự "chiến thuật" trong những ngày tới. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa chính quyền Kosovo được phương Tây hậu thuẫn và cộng đồng thiểu số người Serbia ở khu vực này.
Phái bộ NATO tại Kosovo cho biết trên Twitter: "Lực lượng Kosovo (KFOR) sẽ tiến hành một cuộc tập trận quân sự thường xuyên gần căn cứ ở Novo Selo. Cuộc tập trận nhằm huấn luyện các đơn vị KFOR đảm bảo quyền tự do di chuyển trong tình huống ứng phó với khủng hoảng và bao gồm một loạt các hoạt động hậu cần và mô phỏng chiến thuật".
"Quyền tự do di chuyển" có thể ám chỉ đến việc dỡ bỏ các chướng ngại vật mà cộng đồng thiểu số người Serbia ở Kosovo đã dựng lên đầu tháng này để ngăn sự xâm nhập của lực lượng an ninh ở nơi chủ yếu là người gốc Albania sinh sống.
Bình luận (0)