Nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn đang diễn ra ngay cả khi hai bên vẫn còn không ít khác biệt. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 17-3 đã nói đến các điều kiện để chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine khi điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Ông Ibrahim Kalin, một cố vấn hàng đầu của Tổng thống Erdogan và là một trong số quan chức được lắng nghe cuộc điện đàm, đã nói với đài BBC về những điều kiện nói trên.
Trước hết, Nga muốn Ukraine bảo đảm họ vẫn trung lập và không tìm cách gia nhập NATO. Trong dấu hiệu cho thấy sự thay đổi lập trường, Tổng thống Ukraine Vlodymyr Zelensky hôm 16-3 cho rằng đã đến lúc phải thừa nhận nước này sẽ không trở thành một thành viên của NATO và chấp nhận những bảo đảm an ninh từ phương Tây.
Theo trang Business Insider, đây là một nhượng bộ có thể mở đường cho hòa đàm giữa Kiev và Moscow. Những điều kiện khác là Ukraine giải trừ quân bị và bảo vệ tiếng Nga ở Ukraine.
Những điều kiện khác liên quan đến quy chế của bán đảo Crimea và vùng Donbas. Theo ông Kalin, nhà lãnh đạo Nga cho biết sẽ cần gặp trực tiếp ông Zelensky để bàn về vấn đề này dù hiện chưa rõ chi tiết về những điều kiện được nói đến.
Nga đã sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014, đồng thời công nhận độc lập của 2 vùng ly khai Donetsk và Lugansk. Đã xuất hiện phỏng đoán Nga muốn Ukraine từ bỏ chủ quyền các khu vực nói trên, một yêu cầu có thể khiến viễn cảnh đạt thỏa thuận hòa bình gặp thử thách không nhỏ.
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba (phải) tiếp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại TP Lviv hôm 17-3Ảnh: Twitter
Nhận định này càng có cơ sở khi ông Zelensky hôm 17-3 nói đến một số ưu tiên trong các cuộc hòa đàm với Nga, nổi bật là bảo đảm an ninh và khôi phục sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ đất nước. Cùng ngày, ông Mikhail Podolyak, cố vấn Tổng thống Ukraine, đề cập khả năng ông Zelensky gặp ông Putin trong những tuần tới nhưng nói thêm sự kiện này chỉ có thể diễn ra khi hai bên ký kết "hiệp ước hòa bình". C
ũng theo quan chức này, việc hoàn tất thỏa thuận hòa bình có thể mất từ vài ngày đến 1 tuần rưỡi. Tuy nhiên, theo đài RT (Nga), ông Podolyak thừa nhận cả Ukraine và Nga vẫn đang kiên quyết duy trì quan điểm của mình, đồng thời nhấn mạnh Kiev muốn có một cơ chế cụ thể để bảo đảm an ninh trong tương lai.
Trong cuộc điện đàm với ông Putin, Tổng thống Erdogan đã nhắc lại đề nghị tổ chức hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine ở TP Istanbul hoặc thủ đô Ankara. Theo hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ), Tổng thống Erdogan nhấn mạnh trong điện đàm rằng một lệnh ngừng bắn sẽ mở đường cho một giải pháp lâu dài giữa hai nước.
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã hội đàm với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba tại TP Lviv. Phát biểu sau cuộc gặp, ông Cavusoglu nhấn mạnh Ankara sẵn sàng tiếp tục nỗ lực trung gian để chấm dứt giao tranh ở Ukraine.
Các phái đoàn Nga và Ukraine đã tiến hành vài vòng đàm phán kể từ khi xung đột nổ ra hôm 24-2 nhưng vẫn chưa đạt kết quả cụ thể. Kiev và Moscow hiện mới tìm được tiếng nói chung trong việc tổ chức hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường khỏi vùng chiến sự.
Tờ The Financial Times (Anh) hôm 16-3 đưa tin về "tiến triển đáng kể" trong đàm phán khi hai bên bàn về dự thảo kế hoạch gồm 15 điểm liên quan việc Nga rút quân và Ukraine trở thành quốc gia trung lập dưới sự bảo vệ của đồng minh phương Tây.
Tuy nhiên, cả Nga và Ukraine sau đó đã bác bỏ thông tin này. Riêng phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cam kết sẽ công bố thông tin nếu đàm phán đạt đột phá.
Đàm phán tác động giá dầu
Giá dầu tiếp tục tăng hôm 18-3 trong bối cảnh đàm phán giữa Nga và Ukraine chưa đạt nhiều tiến triển, làm dấy lên lo ngại về khả năng Moscow bị trừng phạt thêm và tình trạng gián đoạn kéo dài đối với nguồn cung. Theo Reuters, giá dầu thô Brent ở Anh có lúc tăng lên gần mức 110 USD/thùng.
Giá dầu đã biến động mạnh từ đầu tuần do một loạt yếu tố như sự thiếu hụt nguồn cung, lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, cuộc đàm phán hạt nhân với Iran bị đình trệ, lượng dầu dự trữ sụt giảm và nỗi lo số ca Covid-19 tăng ảnh hưởng đến nhu cầu tại Trung Quốc. Chuyên gia phân tích Helima Croft tại Ngân hàng Đầu tư RBC Capital Markets (Canada) cảnh báo sự gián đoạn trong hoạt động xuất khẩu dầu của Nga có thể kéo dài. Trong khi đó, ông Justin Smirk, nhà kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Westpac (Úc), dự đoán thị trường sẽ tiếp tục biến động vì còn rất nhiều điều chưa chắc chắn.
Giá dầu đã tăng 7% hôm 17-3 sau khi Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo thị trường có thể bắt đầu mất 3 triệu thùng dầu/ngày từ nguồn cung của Nga vào tháng tới. Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24-2, giá dầu thô Brent có lúc tăng lên mức gần 140 USD/thùng và giảm xuống dưới 100 USD/thùng trong giai đoạn ngắn.
Xuân Mai
Bình luận (0)