Hãng tin AP hôm 1-6 cho biết một cuộc tấn công toàn diện của lực lượng chính phủ Syria vào tỉnh Idlib có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có vì khu vực này là nơi sinh sống của 3 triệu người.
Thổ Nhĩ Kỳ trước đó tiếp nhận hơn 3,6 triệu người tị nạn Syria và đang phải đối mặt với áp lực mạnh mẽ từ Syria, Iran và Nga trong việc cam kết kiểm soát các phe nổi dậy vũ trang ở tỉnh Idlib.
Mặt khác, Ankara cũng cần Moscow kiềm chế Tổng thống Syria Bashar al-Assad để ngăn chặn dòng người tị nạn ồ ạt, đồng thời giữ an toàn cho bộ binh Thổ Nhĩ Kỳ.
Giám đốc chương trình Trung Đông thuộc Viện nghiên cứu Chính sách đối ngoại của Mỹ, Aaron Stein, nhận định Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin "có động cơ để hợp tác và đảm bảo không có lợi ích của bên nào bị chà đạp".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP
Vào tháng 9 năm ngoái, hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ lệnh ngừng bắn ở tỉnh Idlib bất chấp việc Moscow kiên quyết hậu thuẫn Tổng thống Assad và Ankara chống lưng cho lực lượng đối lập Syria. Tuy nhiên, 9 tháng sau, thỏa thuận ngừng bắn bị sụp đổ.
Thỏa thuận kêu gọi thiết lập một khu vực phi quân sự từ 15-20 km, không có quân nổi dậy và vũ khí hạng nặng cũng như mở lại 2 tuyến đường cao tốc xuyên qua tỉnh Idlib.
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), kể từ ngày 30-4, hơn 291 dân thường và 369 tay súng đã thiệt mạng tại thành trì do phiến quân kiểm soát này. Cùng thời gian đó, 269 binh sĩ chính phủ và 22 dân thường tại khu vực do Damascus quản lý bị hỏa lực của quân nổi dậy giết chết.
Thổ Nhĩ Kỳ sau đó cáo buộc chính phủ Syria vi phạm lệnh ngừng bắn. Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết Ankara đã nói với Moscow rằng cần phải "kiểm soát chính quyền của Tổng thống Assad".
Máy bay Nga không kích thị trấn Kafranbel gần tỉnh Idlib - Syria. Ảnh: Reuters
Nga từng mở chiến dịch không kích ở tỉnh Idlib và hỗ trợ trên không cho lực lượng Syria. Nhưng hiện tại, Moscow khó có thể hậu thuẫn một chiến dịch toàn diện của Syria ở tỉnh này vì lợi ích của liên minh lâu dài với Thổ Nhĩ Kỳ vượt xa một trận chiến quân sự. Chuyên gia Kirill Semenov đến từ Hội đồng Các vấn đề quốc tế Nga bình luận: "Nga không muốn hủy hoại mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ vì Idlib".
Tuy nhiên, sự kiên nhẫn của Nga đang đi đến giới hạn bởi tổ chức bị xem là khủng bố Hayat Tahrir al-Sham (HTS) được cho là nhắm mục tiêu vào các căn cứ của Nga ở Syria. Các quan chức Moscow thường gọi tỉnh Idlib là "nơi sản sinh ra những kẻ khủng bố".
Trong khi đó, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn không thể kiềm chế những kẻ cực đoan. Phó GS Emre Ersan tại Trường ĐH Marmara (Thổ Nhĩ Kỳ), cho rằng Ankara có thể đã đánh giá quá cao ảnh hưởng của mình đối với HTS, bị chúng sử dụng làm đòn bẩy chống lại Nga và Iran.
Rủi ro xung đột Nga – Thổ cũng tăng lên sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành mục tiêu bị tấn công, làm dấy lên nghi ngờ liệu đó là hành động vô tình hay Nga đứng phía sau.
Bình luận (0)