Căng thẳng trong mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã lên đến cao độ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 28-12-2015 ký sắc lệnh bổ sung các biện pháp trừng phạt mới với Ankara.
Bức tranh bi quan
Với sắc lệnh trừng phạt mới này của Moscow, không thể biết trước được rằng mối quan hệ giữa 2 nước sẽ leo thang căng thẳng đến mức nào khi Ankara đưa ra các phản ứng đáp trả của mình.
Lệnh trừng phạt này có sự thay đổi so với sắc lệnh cũng do Tổng thống Putin ký trước đó 1 tháng. Sắc lệnh trước hạn chế các tổ chức thuộc sự quản lý của Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động trên toàn lãnh thổ Nga, trong khi sắc lệnh mới còn mở rộng ra đối với các công ty do công dân Thổ Nhĩ Kỳ quản lý.
Theo hãng tin TASS, Cục Quản lý Du lịch - Bộ Văn hóa Nga thông báo các công ty lữ hành làm ăn với Thổ Nhĩ Kỳ bị loại ra khỏi danh mục đăng ký từ ngày 1-1-2016. Theo luật của Nga, những công ty không nằm trong danh mục đăng ký sẽ không được phép thực hiện các hoạt động du lịch trên lãnh thổ nước này. Quyết định trên được đưa ra chiếu theo sắc lệnh của Tổng thống Putin về việc bảo đảm an ninh quốc gia, bảo vệ công dân Nga và việc áp dụng cấm vận kinh tế đặc biệt đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo hãng tin Sputnik News, mối quan hệ Nga - Thổ càng căng thẳng hơn khi bà Maria Zakharova, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ nhóm người chịu trách nhiệm về cái chết của phi công Oleg Peshkov - bị bắn chết khi nhảy dù từ chiến đấu cơ Su-24 do không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ hôm 24-11-2015.
Căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang mỗi lúc một leo thang sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga. Tuy nhiên, thực ra, theo tuần báo Ahram, động thái can thiệp vào Syria của Nga hồi cuối tháng 9-2015 đã đẩy mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ xuống mức thấp nhất trong vòng 6 thập kỷ qua. Chưa đầy 1 tuần sau đó, bức tranh lạc quan trong mối quan hệ Nga - Thổ đã đổi thay hoàn toàn.
Chỉ 10 ngày sau chuyến thăm hữu nghị đến Moscow hôm 23-9-2015, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cáo buộc Nga đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng. Sau đó 2 ngày, ông dấn thêm một bước nữa khi nói Nga có thể đánh mất tình bạn của Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ tổng cộng 27 tàu thương mại của Nga trên lãnh hải của mình ở biển Đen từ khi 2 bên xảy ra mâu thuẫn. Theo nhật báo Habertürk ngày 16-12-2015, động thái này nhằm trả đũa việc Nga bắt giữ 8 tàu hàng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Sự hiện diện của Nga tại Syria đã làm đảo lộn chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ ở một số cấp độ. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ từng là những kẻ thù của nhau nhưng đã tìm ra cách sống và hợp tác hồi thế kỷ XX, bất chấp văn hóa và hệ thống chính trị trái ngược nhau. Thế nhưng, Nga đã nhiều lần khiến Thổ Nhĩ Kỳ khó chịu. Đầu những năm 1950, Liên Xô - dưới thời Stalin - đã đòi lãnh thổ từ Thổ Nhĩ Kỳ, động thái khiến Ankara gia nhập NATO.
Tuy nhiên, điều gây khó chịu hơn đối với Ankara là hành động can thiệp của Nga vào Syria ảnh hưởng đến nỗ lực lật đổ chế độ Bashar al-Assad và thay thế bằng một chính phủ do phe đối lập thành lập. Sự ủng hộ tích cực của Nga có nghĩa là cơ hội tồn tại của ông al-Assad ở Syria lớn hơn nhiều. Trong khi đó, các đồng minh của Ankara trong hàng ngũ đối lập Syria đã phải hứng chịu những cuộc không kích dồn dập của máy bay và tên lửa Nga. Đặc biệt, sự can thiệp của Nga đã chặn đứng sự hỗ trợ trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ dành cho đoàn quân chinh phạt - liên minh các chiến binh đối lập ở miền Bắc Syria.
Đối tác thương mại lớn
Trước khi 2 nước “trở mặt” với nhau, Thổ Nhĩ Kỳ từng là thị trường lớn thứ hai của các nhà xuất khẩu dầu khí Nga. Trong thế bị phương Tây bao vây, Nga cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ với kim ngạch thương mại 2 chiều đã tăng vọt lên hơn 32,7 tỉ USD trong năm 2013. Thậm chí, Moscow dự kiến xây dựng và tài trợ toàn bộ kinh phí cho một nhà máy điện hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Putin và người đồng cấp Recep Tayyip Erdogan từng nhất trí nâng kim ngạch thương mại 2 nước lên 100 tỉ USD vào năm 2020.
Đất nước nằm bên bờ Địa Trung Hải này là đối tác thương mại đứng hàng thứ bảy của Nga. Theo số liệu do hãng tin Bloomberg tập hợp, Nga đã trở thành nước xuất khẩu lớn thứ hai sang Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2014, vượt cả Trung Quốc. Trị giá hàng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga cũng lên mức 5,946 tỉ USD trong năm 2014; nhập khẩu trị giá 25,293 tỉ USD, gồm các mặt hàng: khí đốt thiên nhiên và các sản phẩm từ dầu mỏ, tính đến ngày 25-11-2015.
Trong thập kỷ qua, lượng người Nga đi du lịch nước ngoài tăng mạnh nhờ giá dầu tăng và tầng lớp trung lưu phát triển. Theo dữ liệu của chính phủ Nga, hơn 18 triệu người Nga, tương đương 1/8 dân số nước này, đã đi nghỉ ở nước ngoài trong năm 2013, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập - tăng gấp 3 lần sau 10 năm. Đây là 2 địa chỉ du lịch nước ngoài có mức giá phù hợp với nhiều người Nga trong bối cảnh kinh tế trong nước suy thoái và giá trị đồng rúp giảm sâu hiện nay.
Du khách Nga cũng có vai trò quan trọng đối với ngành du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ. Khoảng 4,5 triệu người Nga đã tham quan nước này trong năm 2014. Người Nga đã trở thành nhóm du khách lớn thứ hai đến Thổ Nhĩ Kỳ - sau Đức - khi chiếm đến hơn 12% tổng số du khách ở nước này.
Tan vỡ
Sắc lệnh trừng phạt mới - có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 - cấm người Nga sử dụng nhân công Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời chính phủ Liên bang Nga cũng thông qua những biện pháp cấm các chuyến bay thuê giữa Moscow và Ankara. Ngoài ra, Moscow còn chấm dứt chính sách miễn thị thực với Ankara, yêu cầu các công ty lữ hành và đại lý du lịch ngừng thực hiện tour đưa công dân Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính phủ Nga còn đưa ra chỉ thị thắt chặt kiểm soát hoạt động của các phương tiện giao thông đường bộ với Thổ Nhĩ Kỳ, bảo đảm an toàn giao thông ở lưu vực biển Azov và biển Đen.
Kỳ tới: Tương quan lực lượng hai bên
Bình luận (0)