Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 6-11 đồng ý ngừng mọi chuyến bay từ Nga đến Ai Cập theo đề xuất của Cơ quan An ninh liên bang (FSB).
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay Tổng thống Putin còn ra lệnh cho chính phủ đảm bảo các du khách Nga con ở Ai Cập - ước tính là 45.000 người (theo Bộ Du lịch Nga) - trở về an toàn.
"Các chuyến bay sẽ tạm dừng cho đến khi thiết lập được mức độ an ninh hàng không phù hợp (giữa Nga và Ai Cập)" - ông Peskov nói, đồng thời nhấn mạnh quyết định nêu trên "liên quan đến các vấn đề an ninh" chứ không phải Nga xem vụ rơi máy bay là hành động khủng bố.
“Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh cần phải dựa vào các dữ liệu được công bố trong quá trình điều tra chính thức khi đánh giá về nguyên nhân vụ rơi máy bay A321 ở Ai Cập hôm 31-10” - Điện Kremlin cho biết hôm 5-11.
“Cái giá của cuộc phiêu lưu”
Tuy nhiên, điều này không thể ngăn được ngày càng có nhiều người nghiêng về giả thuyết chiếc máy bay bị cài bom mà tác giả không ai khác là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hoặc những nhóm ủng hộ chúng.
Nhà phân tích chính trị Nga Andrei Piontkovski nhận định Tổng thống Putin chỉ lên tiếng về vụ A321 sau khi có người nêu giả thuyết máy bay bị đánh bom khủng bố. Ông cũng đối mặt nguy cơ bị dư luận đổ lỗi bởi đã ra quyết định thực hiện chiến dịch không kích ở Syria chống lại IS.
Theo trang tin ABNews.ru (Nga), nhiều người từng cảnh báo Tổng thống Putin rằng cuộc phiêu lưu quân sự của Nga ở Syria sẽ khiến các phần tử cực đoan Hồi giáo tăng cường tấn công chống lại Moscow, đặc biệt là IS.
Trang tin trên giả định nếu vụ máy bay rơi thực sự là ngón đòn thù của IS thì chiến dịch không kích ở Syria là sai lầm chiến thuật của ông chủ Điện Kremlin.
Báo Novoye Vremya (Nga) bình luận: “Tổng thống Putin đã đánh giá quá cao khả năng của mình, vội vã trong cuộc chiến chống IS khiến người dân Nga phải trả giá cho sự phiêu lưu này”. Theo tờ báo, lẽ ra ông nên sử dụng những năm tháng hiện tại để chuẩn bị tốt hơn cho cuộc đối đầu trực tiếp với IS trên vùng đất Trung Á.
Còn báo Anh The Guardian nhận định với việc tuyên bố IS là kẻ thù của Nga khi ra lệnh chiến dịch không kích ở Syria, Tổng thống Putin đã “đẩy công dân nước này ra trước làn đạn”. Khi Nga bắt đầu can thiệp vào cuộc chiến Syria hôm 30-9, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter từng dự báo bản thân nước Nga sẽ phải gánh chịu hậu quả.
Trả đũa khốc liệt?
Câu hỏi đặt ra ở đây là: Moscow sẽ làm gì nếu có kết luận IS gây ra tấn thảm kịch với chiếc máy bay Nga? Ông Mikhail Magid, một chuyên gia người Nga về Trung Đông, phân tích với báo Anh The Telegraph: “Điều này sẽ giáng một đòn mạnh vào uy tín vốn đang cao chót vót của ông Putin và phản ứng hợp lý là tăng cường hoạt động ở Syria. Tuy nhiên, Điện Kremlin cũng biết rằng triển khai bộ binh ở Syria đồng nghĩa với việc biến Syria thành một Afghanistan thứ hai”.
Đó có thể là lý do khiến ông Putin vẫn lưỡng lự trong việc đổ tội cho IS trong vụ A321, theo trang Business Insider. Ông Michael Kofman, chuyên gia về Nga tại Trung tâm Woodrow Wilson (Mỹ), đánh giá người Nga không muốn đổ lỗi cho IS, thay vào đó họ có thể quy trách nhiệm cho nhóm nổi dậy khác hoặc một nước nào đó.
Ngược lại, một số chuyên gia tin rằng Tổng thống Putin sẽ can dự sâu hơn vào Trung Đông. Nga có thể tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của IS để trả thù - kể cả bằng chiến dịch trên bộ - khiến cuộc chiến ở Syria leo thang hơn nữa.
Ngoài ra, một khả năng khác là Nga hợp tác với Ai Cập - một trong số ít quốc gia Ả Rập ủng hộ sự can thiệp của Moscow ở Syria - trong hoạt động quân sự chống lại các nhóm khủng bố. Đẩy mạnh tiêu diệt phiến quân Hồi giáo ở các khu vực gần hơn như Bắc Caucasus cũng có thể nằm trong kế hoạch của Nga.
Nếu động thái này diễn ra, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) John Bolton nhận định IS đã phạm phải “sai lầm lớn nhất” - trong trường hợp chúng gây ra thảm kịch A321 - bởi tổ chức khủng bố này sẽ phải hứng chịu sự trả đũa mạnh tay về quân sự từ phía Moscow.
Cũng theo ông Bolton, Tổng thống Putin làm điều này vì không còn sự lựa chọn nào khác, nhất là khi ông vẫn còn mục tiêu chính là củng cố chế độ Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria cũng như duy trì liên minh với Iran, chính phủ Iraq và phong trào Hezbollah (Lebanon).
Tờ The Wall Street Journal (Mỹ) nhắc mọi người nhớ rằng ông Putin là nhà lãnh đạo không ngại trấn áp khốc liệt khủng bố, được thể hiện qua những chiến dịch tấn công các tay súng Hồi giáo cực đoan ở CH Chechnya. “Nếu không thể tránh một cuộc chiến, hãy ra đòn trước” - tờ báo trích lại phát biểu của tổng thống Nga hồi tháng trước.
Nổi giận với tình báo Anh
Điện Kremlin vô cùng giận dữ sau khi Anh tiết lộ những thông tin tình báo ghi nhận được sau vụ rơi máy bay nói trên, trong đó cho thấy IS lên kế hoạch tấn công khu nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh.
Chỉ trích cách hành xử của Anh là hồ đồ và tùy tiện, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố nếu Anh có thông tin cuộc tấn công thì quả là tồi tệ khi không chia sẻ với Nga.
Giới chức Anh cho rằng những thông tin tình báo nói trên có thể là cơ sở nặng ký cho giả thuyết máy bay Nga rơi do bom IS. Báo Telegraph (Anh) đưa tin cuộc điều tra đang tập trung vào khả năng bom được cài vào trong hoặc bên trên hành lý rồi một nhân viên mặt đất hoặc hành khách tuồn lên khoang hành lý của chiếc Airbus A321 xấu số của Nga ngay trước khi cất cánh, khiến 224 người thiệt mạng.
Người phát ngôn của Thủ tướng Anh David Cameron từ chối bình luận về thông tin trên báo giới song chúng phần nào giải thích lý do London hôm 4-11 tạm dừng tất cả chuyến bay giữa Sharm el-Sheikh và Anh khiến khoảng 20.000 du khách Anh mắc kẹt tại khu nghỉ dưỡng nổi tiếng của Ai Cập.
Tiếp đó, cả Ireland, Đức, Pháp, Hà Lan và Bỉ cũng có động thái tương tự khiến Cairo chỉ trích hành động (ảnh hưởng tới du lịch nước này) như vậy là phi lý.
Sau cuộc gặp với Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi tại London hôm 5-11, Thủ tướng Anh David Cameron đã nhấn mạnh giả thuyết này. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng tuyên bố giới chức nước này nhìn nhận giả thuyết bom trên máy bay một cách nghiêm túc, đồng thời đang xem xét tăng cường an ninh đối với tất cả sân bay có các chuyến bay tới xứ sở cờ hoa.
Một dấu hiệu chứng tỏ sự nghiêm túc của giới chức Anh là những chuyến bay chở du khách nước này mắc kẹt tại Sharm el-Sheikh về nước trong ngày 6-11 chỉ cho mang theo hành lý xách tay. Tất cả hành lý ký gửi được vận chuyển trên một chuyến bay khác và chủ nhân của chúng sẽ được nhận lại từ một cơ quan chính phủ. Hà Lan cũng tuyên bố đi theo phương án này.
Với thực trạng một hộp đen bị hư hại, nhiều khả năng dữ liệu từ 2 hộp đen không giúp ích được gì nhiều cho cuộc điều tra - nhất là trong trường hợp xảy ra một vụ nổ đột ngột.
Do đó, nhiệm vụ lúc này là tập trung nghiên cứu các chứng cứ để lại trên mảnh vỡ máy bay cũng như thi thể các nạn nhân. Việc thi thể cô bé 10 tháng tuổi Darina Gromova, nạn nhân nhỏ tuổi nhất, được tìm thấy cách hiện trường chính hơn 33 km là một thông tin rất quan trọng, qua đó cho thấy nhiều khả năng máy bay nổ sớm hơn suy đoán trước đó.
Giám đốc FSB Aleksandr Bortnikov hôm 6-11 cho hay Ai Cập cho phép nhà điều tra Nga tiếp cận mọi mảnh vỡ máy bay, hành lý còn lại cũng các mẫu đất tại hiện trường. "Nếu có thuốc nổ trên máy bay, chúng tôi sẽ tìm ra chúng" - ông Vladimir Puchkov, người đứng đầu Cơ quan Khẩn cấp Nga, khẳng định.
Thu Hằng
Bình luận (0)