Nga hôm 11-8 tiến hành phóng tàu thăm dò mặt trăng Luna-25 lên không gian, qua đó khởi động lại chương trình thăm dò mặt trăng sau gần 50 năm. Theo đài RT, mục tiêu đề ra là tàu này hạ cánh xuống vùng cực Nam của mặt trăng vào ngày 21-8.
Nếu hạ cánh thành công vào ngày này, Luna-25 dự kiến đến trước 2 ngày so với tàu thăm dò Chandrayaan-3 của Ấn Độ.
Trong cuộc đua xem ai hạ cánh xuống cực Nam của mặt trăng trước tiên này, theo Reuters, Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) đã lên tiếng trấn an rằng cả hai sứ mệnh sẽ không gây rắc rối cho nhau do vùng đáp là khác nhau. Trước đó, tất cả tàu thăm dò đều đáp xuống khu vực xích đạo của mặt trăng.
Tàu Luna-25 được phóng lên không gian tại Trung tâm Vũ trụ Vostochny ở vùng Amur - Nga hôm 11-8. Ảnh: REUTERS
Theo đài RT, Luna-25 là tàu thăm dò mặt trăng đầu tiên được chế tạo ở nước Nga hiện đại. Trước đó, Liên Xô đã thực hiện 24 sứ mệnh Luna chính thức từ tháng 9-1958 đến tháng 8-1976.
Mục tiêu của tàu Luna-25 là thực hiện nghiên cứu khoa học ở vùng cực Nam của mặt trăng. Tàu này được trang bị các thiết bị phân tích thành phần đất, plasma và bụi của mặt trăng để tìm các khoáng chất quý hiếm. Địa điểm hạ cánh được chọn là gần miệng núi lửa Boguslavsky.
Theo Reuters, Luna-25 có kích thước cỡ một ô tô nhỏ và dự kiến hoạt động tại cực Nam của mặt trăng khoảng 1 năm. Đây là nơi các nhà khoa học tại một số cơ quan không gian, trong đó có Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), gần đây phát hiện có dấu vết của băng nước.
Ông Yuri Borisov, Giám đốc Roscosmos, cho biết họ có kế hoạch tiến hành thêm ít nhất 3 sứ mệnh thám hiểm mặt trăng trong 7 năm tới. Sau đó, Nga và Trung Quốc có thể hợp tác trong sứ mệnh thám hiểm mặt trăng có người tham gia.
Mỹ và Trung Quốc cũng có chương trình thăm dò cực Nam của mặt trăng, nơi có địa hình hiểm trở khiến việc hạ cánh trở nên khó khăn. Bù lại, việc khám phá băng nước có thể là thành tựu lịch sử.
Lượng băng nước đủ lớn có thể được sử dụng để chiết xuất nhiên liệu và ôxy, cũng như dùng làm nước uống. Việc tìm ra nguồn nước đáng tin cậy, nếu có, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nỗ lực đưa con người hiện diện lâu dài trên mặt trăng.
Theo tờ South China Morning Post, Trung Quốc đã nghiên cứu phát triển tàu vũ trụ cùng các thiết bị khác để phục vụ mục tiêu đưa phi hành gia lên mặt trăng vào năm 2030.
Ngoài ra, Trung Quốc và Mỹ hiện có chương trình lập một căn cứ lâu dài trên mặt trăng, trong đó con người hiện diện ở vùng cực Nam. NASA gần đây cho biết sứ mệnh Artemis II nhằm đưa 4 phi hành gia lên quỹ đạo mặt trăng dự kiến vẫn diễn ra vào tháng 11-2024.
Dù vậy, đã xuất hiện nỗi lo kế hoạch đưa phi hành gia trở lại mặt trăng vào năm 2025 của NASA có thể bị hoãn do tàu Starship của Công ty SpaceX chưa sẵn sàng.
Trước đó, theo đài RT, chương trình không gian của Liên Xô cũng ghi nhận một số thành tựu đầu tiên với tàu thăm dò Luna. Tháng 1-1959, Luna-1 trở thành tàu vũ trụ đầu tiên rời khỏi hệ trái đất - mặt trăng.
Đến tháng 9-1959, Luna-2 trở thành vật thể nhân tạo đầu tiên đến được mặt trăng. Vào tháng 3-1966, Luna-10 trở thành vệ tinh nhân tạo đầu tiên của mặt trăng. Sứ mệnh mặt trăng cuối cùng của Liên Xô, Luna-24, đã lấy các mẫu đất trên mặt trăng xuống trái đất để nghiên cứu vào tháng 8-1976.
Tham vọng của Ấn Độ
Ấn Độ có tham vọng trở thành nước đầu tiên cho tàu thăm dò hạ cánh xuống vùng cực Nam của mặt trăng trong sứ mệnh Chandrayaan-2 hồi tháng 9-2019. Tuy nhiên, tàu đổ bộ đã bị phá hủy trong quá trình thực hiện sứ mệnh này. Trong khi đó, sứ mệnh đáp xuống mặt trăng của Nhật Bản và Israel lần lượt thất bại vào các năm 2022 và 2019.
Đến tháng 7-2023, Ấn Độ tiến hành sứ mệnh Chandrayaan-3 với mục tiêu đáp xuống cực Nam của mặt trăng vào ngày 23-8, hoàn thành hành trình kéo dài 40 ngày. Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) hôm 6-8 đã công bố những bức ảnh đầu tiên do tàu vũ trụ Chandrayaan-3 đã gửi về sau khi đến quỹ đạo mặt trăng 1 ngày trước đó.
Sau khi Chandrayaan-3 ở quỹ đạo cách bề mặt mặt trăng 100 km, tàu đổ bộ Vikram (có mang theo xe tự hành Pragyan) sẽ tách ra và đáp xuống bề mặt mặt trăng. Cả hai sẽ tiến hành các hoạt động và thí nghiệm trên đó trong vài tuần. Ấn Độ đã chi 6 tỉ rupee (khoảng 1.722 tỉ đồng) cho sứ mệnh này. Nếu thành công, Ấn Độ sẽ gia nhập danh sách một số ít quốc gia đưa được tàu đổ bộ lên mặt trăng.
Vụ phóng tàu Chandrayaan-3 là sứ mệnh lớn đầu tiên của Ấn Độ sau khi Chính phủ Thủ tướng Narenda Modi công bố các chính sách thúc đẩy đầu tư cho cuộc đua không gian. Kể từ năm 2020, Ấn Độ mở cửa cho tư nhân khiến số lượng công ty vũ trụ khởi nghiệp tăng gấp đôi. ISRO cũng đồng ý với NASA về một sứ mệnh chung vào năm 2024, trong đó sẽ đưa một phi hành gia Ấn Độ lên Trạm Không gian quốc tế (ISS).
Xuân Mai
Bình luận (0)