Vấn đề hạt nhân Triều Tiên là một trong những nội dung thảo luận chính khi Tổng thống Nga Vladimir Putin lần lượt tiếp các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc tại TP Vladivostok trong các ngày 10, 11 và 12-9.
Thúc đẩy hợp tác với châu Á
Đây là dịp ông Putin thúc đẩy vai trò của Moscow trong việc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng vẫn chưa có lối thoát bất chấp nỗ lực mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Các cuộc gặp trên diễn ra nhân dịp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yeon dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF), dự kiến diễn ra từ ngày 11 đến 13-9. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng được mời nhưng quyết định không đến Vladivostok. Thay vào đó, Bộ trưởng Kinh tế Đối ngoại Triều Tiên Kim Yong-jae dẫn đầu phái đoàn 9 người đến dự EEF. Theo đài Sputnik, diễn đàn thứ 4 năm nay được kỳ vọng thúc đẩy hơn nữa hợp tác nhiều mặt giữa Nga và châu Á - Thái Bình Dương giữa lúc quan hệ Moscow - phương Tây đang căng thẳng vì nhiều vấn đề.
Đáng chú ý là không lâu sau khi EEF khép lại, hội nghị thượng đỉnh giữa 2 miền Triều Tiên dự kiến diễn ra tại Bình Nhưỡng từ ngày 18 đến 20-9. Hàn Quốc hy vọng cuộc gặp mới sẽ tiếp thêm động lực cho nỗ lực ngoại giao đã lên đến đỉnh điểm trong cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Kim Jong-un tại Singapore hôm 12-6 qua. Washington gần đây bày tỏ thất vọng trước điều mà họ xem là Bình Nhưỡng không làm gì nhiều để hướng đến mục tiêu phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, ông Trump hoan nghênh Triều Tiên vì không "khoe" tên lửa đạn đạo liên lục địa tại cuộc diễu binh mừng quốc khánh hôm 9-9.
Giới phân tích nhận định trong trường hợp Hàn Quốc lựa chọn bình thường hóa quan hệ với nước láng giềng ngay cả khi quan hệ Mỹ - Triều Tiên nguội lạnh trở lại, Seoul sẽ phải cần đến sự ủng hộ về ngoại giao của khu vực. Khi đó, vai trò của Nga có thể trở nên quan trọng dù nước này chưa từng đi đầu nỗ lực giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Ảnh hưởng của Moscow đối với vấn đề Triều Tiên có thể còn tăng trong trường hợp ông Kim Jong-un đến thăm Nga thời gian tới. Phát biểu khi đang ở thăm Bình Nhưỡng, bà Valentina Matvienko, Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, hôm 10-9 cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể thăm Mocow trước cuối năm nay và thời điểm cụ thể phụ thuộc vào lịch trình của ông Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại TP Vladivostok hôm 10-9 Ảnh: REUTERS
Tập trận quy mô lớn
Ngoài EEF, Nga còn gây chú ý trên mặt trận quân sự với cuộc tập trận lớn nhất trong lịch sử, thu hút cả sự tham gia của binh sĩ Trung Quốc và Mông Cổ. Cuộc tập trận có tên Vostok-2018 này bắt đầu tại Siberia ngày 11-9 và dự kiến kéo dài 1 tuần. Ông Putin dự kiến thị sát Vostok-2018 sau khi dự EEF.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết khoảng 300.000 binh sĩ, 36.000 xe quân sự, 1.000 máy bay và 80 tàu chiến sẽ tham gia các cuộc tập trận liên quan. Theo đài Sputnik, nhiều vũ khí mới và hiện đại của quân đội Nga cũng được sử dụng trong cuộc tập trận, như xe tăng T-80, T-90, chiến đấu cơ Su-34, Su-35, tên lửa Iskander có thể mang đầu đạn hạt nhân, tàu chiến được trang bị tên lửa hành trình Kalibr… Ông Valery Gerasimov, Chủ tịch Hội đồng Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga, nhấn mạnh mục đích chính của cuộc tập trận là kiểm tra sự sẵn sàng và năng lực chiến đấu của binh sĩ.
Cuộc tập trận nói trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ Nga và phương Tây gặp khủng hoảng vì cáo buộc Moscow can thiệp tình hình Ukraine, Syria và chuyện nội bộ của các nước phương Tây. NATO cho rằng Vostok-2018 cho thấy Nga chú trọng tập trận để chuẩn bị cho một cuộc xung đột quy mô lớn. Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định cuộc tập trận không ảnh hưởng đến an ninh của các nước thành viên khối này.
Bình luận (0)