Lý giải cho lá phiếu chống, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin nói: "Dự thảo không phản ánh được thực trạng của Syria và đánh giá chưa công bằng về các phe phái ở Syria”.
Ông Churkin cũng quả quyết Nga sẽ tiếp tục nghiên cứu một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Syria vì “bạo lực đẫm máu ở Syria phải chấm dứt ngay lập tức”.
Về phần mình, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lý Bảo Đông lấy làm tiếc vì những đề xuất bổ sung của Nga bị bỏ qua. “Trung Quốc ủng hộ dự thảo trước đó do Nga đệ trình. Bỏ phiếu trong khi các bên vẫn chia rẽ sâu sắc về vấn đề Syria không chỉ làm ảnh hưởng đến sự đoàn kết của HĐBD cũng như không giải quyết được vấn đề. Vì vậy, Trung Quốc đã phủ quyết dự thảo” – ông Lý nói.
Tại phiên họp ngày 4-2, Nga và Trung Quốc đã phủ quyết dự thảo nghị quyết về Syria. Ảnh: Tân Hoa Xã
Ngoài 2 phiếu phủ quyết của Nga và Trung Quốc, bản dự thảo đã nhận được đầy đủ 13 phiếu ủng hộ còn lại.
Theo quy định, để được thông qua, dự thảo nghị quyết phải nhận được sự ủng hộ của 9 thành viên HĐBA LHQ và không bị thành viên nào trong năm nước ủy viên thường trực (gồm Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nga và Pháp) phủ quyết.
Trước đó, ngày 3-2, chính phủ Nga đã tuyên bố nước này không thể ủng hộ bản dự thảo nghị quyết mới nhất về cuộc khủng hoảng ở Syria. Nga cho rằng dù đã được sửa đổi nhưng dự thảo trên chưa giải quyết hết được những mối quan ngại của Nga.
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich (Đức), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov giải thích: “Dự thảo đã “đóng băng” các điều kiện tiến đến đàm phán. Ngoài ra, các biện pháp được thực thi phải nhắm vào cả các nhóm vũ trang chứ không chỉ chính quyền Syria”.
Người biểu tình chống chính phủ ở gần Homs - Syria. Ảnh: AFP
Văn kiện mới này không công khai kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức hoặc đề cập đến một lệnh cấm vận vũ khí hay các biện pháp trừng phạt, song lại "hoàn toàn ủng hộ" kế hoạch của Liên đoàn Ả Rập (AL) về “quá trình chuyển tiếp dân chủ” tại quốc gia Trung Đông đang chìm trong bạo loạn này. 22 nước AL đã yêu cầu Tổng thống Assad chuyển giao quyền lực cho phó tổng thống.
Phản ứng của thế giới:
- Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon: “Rất lấy làm tiếc khi HĐBA không thể đồng thuận về dự thảo nghị quyết để chấm dứt bạo lực và giết chóc ở Syria”.
- Đại sứ Morocco tại LHQ Mohammed Loulichiki cho biết ông “thất vọng và lấy làm tiếc”, đồng thời “hết sức nản lòng” vì sự thất bại của dự thảo. (Morocco là nước đã đề xuất dự thảo trên)
- Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice: "Mỹ phẫn nộ vì hai thành viên của HĐBA tiếp tục ngăn cản nỗ lực chấm dứt khủng hoảng ở Syria, một mối đe dọa an ninh và hòa bình khu vực”.
- Đại sứ Pháp tại LHQ Gerard Araud nhận định ngày 4-2 là “ngày buồn cho HĐBA". |
Bình luận (0)