"Tất cả chỉ là một cái cớ để họ tiếp tục can thiệp công khai vào vấn đề nội bộ của chúng tôi. Chúng tôi sẽ đáp trả dựa trên nguyên tắc ăn miếng trả miếng nhưng không nhất thiết phải tương xứng" – bà Zakharova tuyên bố.
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh mọi biện pháp trừng phạt của Mỹ liên quan đến chính trị gia đối lập Alexei Navalny sẽ không đạt được mục tiêu, chỉ làm quan hệ 2 nước thêm căng thẳng.
Chính trị gia đối lập Alexei Navalny đang bị Nga giam giữ. Ảnh: Reuters
Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ cùng Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Mỹ hôm 2-3 áp lệnh trừng phạt nhằm vào 14 thực thể cùng 7 quan chức cấp cao của Nga, trong đó có Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) Aleksandr Bortnikov và Tổng công tố Igor Krasnov.
"Cộng đồng tình báo kết luận với mức độ tự tin cao rằng các sĩ quan của FSB sử dụng chất độc thần kinh để tấn công chính trị gia đối lập Navalny" – người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định, đồng thời yêu cầu Moscow trả tự do cho nhân vật này.
Theo Reuters, lệnh trừng phạt mới đóng băng mọi tài sản thuộc quyền tài phán Mỹ của 7 quan chức nêu trên, đồng thời cấm công dân Mỹ giao thương với họ. Bên cạnh đó, mọi công dân nước ngoài cố ý giúp thực hiện các giao dịch quan trọng liên quan đến 7 quan chức này cũng có nguy cơ bị trừng phạt.
Hiện chưa rõ liệu 7 quan chức này có tài sản ở Mỹ hay không, do đó rất khó để đánh giá liệu có phải đợt trừng phạt này chỉ mang tính biểu tượng hay không.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki yêu cầu Nga trả tự do cho chính trị gia đối lập Alexei Navalny. Ảnh: Reuters
Song song với Mỹ, EU áp lệnh trừng phạt chống lại 4 quan chức cấp cao Nga thân cận Tổng thống Vladimir Putin trong một động thái được các bộ trưởng EU "gật đầu" hồi tuần rồi để phản ứng vụ bắt giam chính trị gia đối lập Navalny.
Bốn nhân vật này bao gồm lãnh đạo Ủy ban Điều tra Alexander Bastrykin, lãnh đạo Vệ binh Quốc gia Viktor Zolotov, lãnh đạo Cơ quan quản lý nhà tù liên bang Alexander Kalashnikov và Tổng công tố Krasnov.
Không giống với các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào kinh tế Nga hồi 2014 liên quan đến vụ sáp nhập bán đảo Crimea, lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản hiện không mấy hiệu quả, bởi giới chức chính phủ Nga không có quỹ ở các ngân hàng EU và cũng chẳng đi đến EU, giới chuyên gia khẳng định.
Tổng công tố Nga Igor Krasnov là một trong những quan chức cấp cao Nga bị Mỹ và EU nhắm mục tiêu trong đợt trừng phạt mới. Ảnh: TASS
Bình luận (0)