"Trong những trường hợp như vậy, không ai có thể giành chiến thắng. Hoạt động quân sự đặc biệt này có thể kéo dài nhiều năm" - ông Konstantin Kalachev, nhà phân tích chính trị tại Moscow, nhận định.
Theo Giám đốc Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu Marie Dumoulin, sự ủng hộ mạnh mẽ từ các đồng minh châu Âu cũng sẽ khiến một trong hai bên khó thoái lui hơn ở thời điểm hiện lại. "Mỗi bên nghĩ rằng họ vẫn có thể tạo ra lợi thế quân sự. Vì vậy, xung đột nhiều khả năng không kết thúc sớm" - bà Dumoulin giải thích.
Quân nhân Ukraine sử dụng súng cối ở vùng tiền tuyến thuộc tỉnh Donetsk - Ukraine hôm 18-8 Ảnh: REUTERS
Giới chức phương Tây lo ngại chiến lược trang bị vũ khí cho Ukraine đang trở thành giải pháp ngắn hạn cho một vấn đề dài hạn: Một cuộc chiến chưa có điểm dừng.
"Theo thời gian, phương Tây bàn giao cho Ukraine các hệ thống hiện đại hơn…, giúp Ukraine trụ vững song lại kéo dài xung đột. Vũ khí giao cho Ukraine càng dồn dập, họ càng khó từ bỏ" - một quan chức giấu tên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nói với đài CNN.
Giới quan sát nhận định với sự hậu thuẫn của phương Tây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thời gian tới có thể nhắm đến những thắng lợi về mặt chiến thuật, thậm chí là nỗ lực phản công để giành lại quyền kiểm soát ở một số khu vực.
"Điều này một mặt làm tăng nhuệ khí của binh sĩ và người dân Ukraine, mặt khác giúp ông có lý do để kêu gọi các đồng minh châu Âu gia tăng viện trợ" - bà Dumoulin nhận định.
Với Điện Kremlin, thất bại là điều "không thể chấp nhận", nhất là khi Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh cuộc xung đột hiện tại là một phần trong nỗ lực của Nga nhằm chống lại điều ông mô tả là chiến lược mở rộng của NATO.
Trong bài phát biểu nhân Ngày Quốc kỳ được tổ chức vào ngày 22-8 tại Nga, ông chủ Điện Kremlin tuyên bố với cương vị là một đất nước hùng mạnh và độc lập, Nga sẽ chỉ theo đuổi những chính sách phù hợp với lợi ích quốc gia.
Cùng ngày, theo đài Sputnik, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov bày tỏ hoài nghi đối với khả năng nối lại các cuộc đàm phán ổn định chiến lược với Mỹ. Ở thời điểm hiện tại, theo Thứ trưởng Ryabkov, nỗ lực này "chẳng mang lại lợi lộc gì" bởi Washington đang theo đuổi chính sách hung hăng nhằm vào Moscow.
Bình luận (0)