Sau 3 tuần đóng cửa, các chi nhánh ngân hàng Hy Lạp đang rục rịch hoạt động trở lại để phục vụ người dân. Động thái này cộng với chính sách tăng thuế giá trị gia tăng đối với các nhà hàng và lĩnh vực vận tải công cộng là cách để Athens tìm lại lòng tin ở trong và ngoài nước.
Người đứng đầu hiệp hội ngân hàng của Hy Lạp Louka Katseli nói với kênh truyền hình Skai: “Các biện pháp kiểm soát vốn và hạn chế rút tiền mặt sẽ được giữ nguyên nhưng chúng tôi đang bước vào một giai đoạn mới – giai đoạn trở lại trạng thái bình thường”.
Chính phủ sẽ cho phép người dân rút tối đa 420 euro/tuần thay vì giới hạn ở 60 euro/ngày như trước.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng đó “chưa phải là cuộc sống bình thường đối với người dân Hy Lạp” và các nước châu Âu cần đẩy nhanh cuộc đàm phán cứu trợ. Bà cũng tuyên bố Berlin sẽ đàm phán một cách “cứng rắn” để buộc Athens phải tuân thủ các điều kiện do bộ ba chủ nợ quốc tế đưa ra. Nếu đàm phán suôn sẻ, các bên sẽ bàn tiếp đến chuyện thay đổi thời gian đáo hạn của các khoản nợ của Hy Lạp.
“Điều đó chắc chắn sẽ không dễ dàng vì có những điều mà chúng tôi đã thảo luận với chính phủ Hy Lạp từ năm 2010 nhưng chưa thực hiện được” – bà Merkel trả lời kênh truyền hình ARD của Đức.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cũng đang tìm kiếm một thỏa thuận nhanh chóng với các đối tác châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trước cuộc bầu cử mà Bộ trưởng Nội vụ Nikos Voutsis thông báo có khả năng diễn ra vào tháng 9 hoặc tháng 10 tới.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy người dân Hy Lạp không kỳ vọng nhiều vào việc các ngân hàng mở cửa trở lại. Joanna Arvanitaki (31 tuổi), nhân viên khách sạn, cho biết: “Các ngân hàng mở cửa vào ngày 20-7 chẳng có tác dụng gì đối với tôi cả. Tôi chưa bao giờ rút 60 euro/ngày vì cả tuần tôi chỉ tiêu có 60 euro”.
Bình luận (0)