Theo nhận định của WB, sau khi phục hồi mạnh trong năm 2022, kinh tế Việt Nam dự kiến chịu tác động từ tốc độ tăng trưởng chậm lại của hoạt động xuất khẩu sang các thị trường lớn.
Nguy cơ gia tăng căng thẳng địa chính trị có thể cản trở thương mại và đầu tư toàn cầu, đồng thời ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu và khu vực trong thời gian dài.
Theo WB, các nền kinh tế phụ thuộc vào hàng hóa và xuất khẩu như Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Mông Cổ đặc biệt dễ bị tổn thương do nhu cầu xuất khẩu chậm lại, trong đó có cả từ Trung Quốc.
Cũng theo báo cáo mới nhất của WB, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (EAP, trong đó có Việt Nam) tăng trưởng 3,2% năm 2022. Con số này giảm so với mức 4,4% trong báo cáo trước đó.
Sự sụt giảm này chủ yếu do Trung Quốc (chiếm khoảng 85% GDP của khu vực) có tăng trưởng giảm còn 2,7% (so với mức 4,4% được dự báo trước đó). Nếu không tính Trung Quốc, EAP tăng trưởng đến 5,6% năm 2022.
Một nhà máy ở thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc hôm 10-1. Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, kinh tế nước này sẽ tăng trưởng 4,3% năm nay. Ảnh: REUTERS
Theo WB, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trong năm ngoái đối mặt làn sóng COVID-19 tái diễn và biện pháp hạn chế đi lại, hạn hán nghiêm trọng chưa từng có, căng thẳng kéo dài trong lĩnh vực bất động sản… Tất cả diễn biến này đều hạn chế tiêu dùng, sản xuất lương thực và năng lượng, cũng như đầu tư tư nhân.
Sang năm 2023, EAP được dự báo tăng trưởng 4,3% khi việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt cho phép hoạt động ở Trung Quốc dần phục hồi. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn mức 5,2% của báo cáo trước đó. WB cũng hạ dự báo tăng trưởng đối với Trung Quốc trong năm nay (từ 5,2% xuống còn 4,3%).
Đối với kinh tế thế giới nói chung, báo cáo mới nhất của WB thậm chí còn bi quan hơn. Cụ thể, GDP toàn cầu năm nay được dự báo tăng 1,7%. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 1993, ngoại trừ cuộc suy thoái năm 2009 và 2020. Con số này trong báo cáo trước đó là 3%.
Riêng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 0,5% năm nay (so với mức 2,4% của lần dự báo trước). Tụt dốc hơn, khu vực sử dụng đồng euro tăng trưởng 0% năm nay (dự báo trước đó là 1,9%).
Theo WB, kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm lại do lạm phát cao, lãi suất tăng, đầu tư giảm và xung đột Nga - Ukraine làm gián đoạn nguồn cung. WB cảnh báo kinh tế toàn cầu thậm chí có nguy cơ rơi vào suy thoái nếu có thêm diễn biến bất lợi như lạm phát tăng cao hơn dự kiến và việc tăng lãi suất đột ngột để kiềm chế lạm phát, sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 hoặc căng thẳng địa chính trị leo thang hơn nữa.
Bình luận (0)