Trong một bài bình luận đăng tải ngày 16-10, hãng tin Nikkei (Nhật Bản) cho biết Washington và Manila đang "dẹp những bất đồng trong quá khứ sang một bên" khi phải đối mặt với mối đe dọa chung – đó là Trung Quốc.
Giữa thời điểm cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng, Washington tìm cách khẳng định vị thế chính trị và quân sự của mình ở Đông Nam Á, cũng như khôi phục quan hệ với các đồng minh.
Philippines vốn là đồng minh thân cận của Mỹ. Nhưng kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền vào năm 2016, Manila có xu hướng tìm kiếm các mối quan hệ thân thiết hơn với Trung Quốc và xa rời Mỹ.
Dù những quyết định của Tổng thống Donald Trump nhiều lúc không thể đoán trước nhưng Mỹ vẫn được xem là người bạn đáng tin cậy của Philippines, đồng thời là "thế lực duy nhất" đủ sức kiềm chế Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại Hội nghị ASEAN ở Manila tháng 11-2017. Ảnh: Reuters
Cam kết mới nhất của Washington về việc khôi phục sự hiện diện của hải quân Mỹ tại biển Đông, chống lại sự hiện diện quân sự của Bắc Kinh giống như một tín hiệu trấn an Manila. Trong khi đó, Philippines muốn căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc phải ở trong tầm kiểm soát, vì nếu hai bên xảy ra đụng độ quân sự nghiêm trọng, cấu trúc an ninh ở Đông Á có thể bị phá hỏng và gây nguy hiểm cho khu vực. Các rủi ro trở nên rõ nét khi tàu hải quân Mỹ và Trung Quốc chạm chán ở biển Đông hồi tháng 9.
Đáng nói là cả hai ông Trump và Duterte đều theo đuổi cách tiếp cận thân thiện với Trung Quốc khi lên nắm quyền. Song hiện giờ, hai nhà lãnh đạo này bắt đầu dè chừng trước một Bắc Kinh ngày càng quyết đoán.
Gần đây nhất, ngày 4-10, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence mô tả Bắc Kinh là "đối thủ chiến lược chính của Mỹ". Ông cũng nhấn mạnh việc Trung Quốc phát triển kinh tế để nuôi tham vọng quân sự bất chấp cam kết "không quân sự hóa các vùng biển tranh chấp" của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trong những tuần gần đây, Washington triển khai máy bay ném bom B-52 và tàu chiến để thách thức Trung Quốc ở Biển Đông. Theo đài CNN, Mỹ cũng đang cân nhắc tập trận ở cả eo biển Đài Loan lẫn biển Đông vào tháng 11 tới để "chứng minh rằng Mỹ có thể chống lại kẻ thù tiềm năng một cách nhanh chóng trên nhiều mặt trận".
Bên phía Philippines, chính quyền Tổng thống Duterte cũng áp dụng cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trong lĩnh vực hàng hải. Vào tháng 5, Manila đưa ra "3 lằn ranh đỏ" cảnh báo Bắc Kinh nếu đơn phương thăm dò dầu khí ở vùng biển Philippines, cải tạo bãi cạn Scarborough và bất kỳ hoạt động nào chống lại quân đội Philippines ở biển Đông.
Vào tháng 8, ông Duterte công khai lên tiếng phản đối Trung Quốc, đồng thời nhắc lại rằng hành lang hàng hải được bảo đảm theo luật pháp quốc tế và quân đội Philippines không cần bất kỳ ai cho phép đi lại ngoài vùng biển quốc tế.
Một tuần sau, ông Duterte đe dọa sẽ "chiến tranh với Trung Quốc" nếu họ đơn phương khai thác ở vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.
Điều quan trọng, Manila ngày càng thất vọng trước việc Bắc Kinh không giữ lời hứa về các khoản đầu tư lớn trước đó. Trung Quốc tuyên bố họ sẽ chặn các khoản đầu tư lớn vào Philippines sau các bất đồng về thỏa thuận phát triển đáy biển chung tại vùng lãnh hải đang tranh chấp.
Nhận thức được sự thất vọng ngày càng tăng của ông Duterte đối với Trung Quốc, quân đội Philippines liên tục đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với Mỹ. Hồi cuối tháng 9, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã tổ chức các cuộc họp quan trọng với các quan chức Mỹ, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Ngoại trưởng Mike Pompeo, về việc Trung Quốc bành trướng quân sự. Ông Pompeo cam kết sẽ hỗ trợ Philippines hiện đại hóa lực lượng vũ trang.
Vài ngày sau, Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, đã có chuyến thăm Manila và ký một thỏa thuận song phương cho phép mở rộng các cuộc tập trận quân sự thường niên giữa Mỹ và Philippines từ 261 lên 281.
Manila và Washington cũng thảo luận về kế hoạch mở rộng việc cho Mỹ tiếp cận các địa điểm quân sự của Philippines, đặc biệt là sân bay Bautista ở Palawan.
Bình luận (0)