Các nhà hoạt động nhân quyền tiếp tục cáo buộc binh lính tiếp tục nã pháo vào thành phố Hama hôm 1-8, ngày bắt đầu mùa chay Ramadan của người Hồi giáo, một ngày sau đợt trấn áp người biểu tình chống chính quyền bị xem là dữ dội nhất của cảnh sát và quân đội Syria.
Một người bị thương được đưa đi cấp cứu tại Hama hôm 31-7 Ảnh: Reuters
Hama chìm trong khói lửa
Hãng tin AFP dẫn lời các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng vụ trấn áp đã khiến ít nhất 136 người thiệt mạng tại nhiều nơi ở Syria và con số này còn tăng thêm vì có rất nhiều người bị thương.
Ông Abdel Karim Rihawi, Chủ tịch Liên đoàn Bảo vệ Nhân quyền Syria, nói: “100 thường dân đã chết hôm 31-7 tại Hama do hỏa lực của lực lượng an ninh được quân đội yểm trợ khi họ tấn công vào thành phố này”.
Ông Rihawi cũng cho biết thêm có 5 người bị giết tại thành phố Homs ở miền Trung, 3 người thiệt mạng tại tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria cũng như một số người thiệt mạng ở những nơi khác.
Trong khi đó, ông Ammar Qorabi, Giám đốc Tổ chức Nhân quyền Quốc gia, ghi nhận có 95 người chết tại Hama, 19 người chết tại Deir Ezzer; 6 người chết tại thành phố Herak và vài người bị giết tại thành phố khác.
Ông Qorabi cho biết một số người chết vì bị trúng đạn từ phía các tay súng thuộc lực lượng an ninh và quân đội tiến vào Hama cùng với xe tăng. Tuy nhiên, có một số nguồn tin khác ghi nhận tổng số người thiệt mạng chỉ vào khoảng 70 đến 80 người.
Ông Rami Abdel Rahman, người đứng đầu tổ chức Đài Quan sát nhân quyền có trụ sở tại Anh, cho biết rằng trước vụ trấn áp, đã có khoảng 500.000 người tụ họp ở thành phố Hama vào ngày 29-7 nghe các giáo sĩ Hồi giáo thuyết giảng và yêu cầu chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad “phải ra đi”.
Một nhóm người phản đối tập hợp trên mạng internet với tên gọi Cách mạng Syria 2011 thúc giục người biểu tình tập trung sau ngày lễ cầu nguyện tối 31-7 để “trả thù” cho nạn nhân với lời than trách “Syria đang đổ máu”.
Những người phản kháng cũng chống trả bằng cách ném đá và bom xăng về phía lực lượng an ninh. Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ phía chính quyền cho rằng có 8 cảnh sát thiệt mạng “do đụng độ với lực lượng khủng bố có vũ trang” tại Hama.
Cuộc trấn áp lần này bị xem là đẫm máu nhất trong 5 tháng qua, lặp lại thảm kịch hồi năm 1982. Khi đó, khoảng 20.000 người thiệt mạng tại Hama trong cuộc trấn áp dưới thời Tổng thống Hafez al-Assad, cha của ông Bashar al-Assad.
Quốc tế chỉ trích
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dự kiến họp khẩn để xem xét vụ trấn áp tại Syria vào chiều 1-8 (giờ New York) theo yêu cầu của Đức. Tổng thống Mỹ Barack Obama lên án vụ tấn công của cảnh sát và quân đội vào thường dân tại Hama là “tàn bạo”.
Chính quyền Syria thông báo rằng việc binh lính đến Hama chỉ nhằm mục đích tháo dỡ chướng ngại vật mà những người biểu tình phản đối chính quyền che chắn. Tuy nhiên, quan chức Đại sứ quán Mỹ ở Damacus nói tuyên bố này là “vô lý”, cho rằng chính quyền Syria đã “gây chiến tranh” chống lại chính nhân dân mình.
Trả lời phỏng vấn đài BBC, Ngoại trưởng Anh William Hague kêu gọi sức ép quốc tế mạnh mẽ hơn đối với Syria. Tuy nhiên, ông Hague bác bỏ biện pháp can thiệp quân sự. Pháp và Đức cũng lên án việc Damacus sử dụng bạo lực với thường dân.
Về phía Syria, TT Assad hôm 1-8 đã ngợi khen chiến công đánh bại kẻ thù của quốc gia, nói rằng những cố gắng và hy sinh của quân đội đáng ngưỡng mộ.
Theo đài BBC, hơn 1.500 thường dân và 350 nhân viên an ninh thiệt mạng từ khi các cuộc biểu tình chống chính quyền bắt đầu hồi tháng 3; hơn 12.600 người bị bắt giữ và khoảng 3.000 người mất tích.
Bình luận (0)