xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghẹt thở năm 2014

Người Lao Động Online

(NLĐO) – Sự kiện ngồn ngộn, đau thương chất chồng, biến động không ngừng, căng thẳng trào dâng… có thể là những phác họa sơ nét về năm 2014!

Trong tuần cuối cùng của tháng 12-2014, Báo Người Lao Động Online đã tổ chức khảo sát và dựa trên bình chọn của bạn đọc để đưa ra danh sách 10 sự kiện quốc tế nổi bật nhất năm 2014.

 

Kết quả khảo sát của báo Người Lao Động Online
Kết quả khảo sát của báo Người Lao Động Online

 

1. Nhà nước Hồi giáo trỗi dậy (18%)

Đây là một diễn biến hãi hùng của năm 2014. Không phải là gương mặt mới ở Trung Đông song tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS, tên cũ là ISIS) khiến cả thế giới hốt hoảng khi bành trướng chớp nhoáng trên lãnh thổ Iraq từ tháng 6. Bắn giết, thảm sát không gớm tay nhưng hành động man rợ nhất phải kể đến của IS là chặt đầu các con tin.

 

Các tay súng IS tung hình ảnh hành quyết cả ngàn binh lính Iraq lên mạng. Ảnh: AP
Các tay súng IS tung hình ảnh hành quyết cả ngàn binh lính Iraq lên mạng. Ảnh: AP

 

Vừa mở rộng khu vực chiếm đóng tại Syria và Iraq, vừa khuấy động làn sóng Hồi giáo cực đoan khắp thế giới, ảnh hưởng của IS khiến Mỹ và liên quân phải quyết định không kích để ngăn chặn. Cho đến nay, vẫn chưa thể thống nhất IS có bị suy yếu hay không trong khi thế giới vẫn tranh cãi về chiến lược tiêu diệt chúng. Không đưa ra được đối sách hữu hiệu với IS được xem là lý do khiến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel ra đi vào cuối tháng 11. Năm 2015, cuộc giằng co với IS chắc chắn chỉ có tăng nhiệt chứ không thể giảm.

 

2. Cuộc khủng hoảng Ukraine (15%)

Căng thẳng nhen nhóm từ cuối năm 2013 đã bùng nổ thành khủng hoảng sâu sắc tại Ukraine trong năm 2014. Tháng 2, cựu Tổng thống Viktor Yanukovych tháo chạy khỏi Kiev trước làn sóng biểu tình đẫm máu. Tháng 3, Nga thể hiện thái độ bằng cách sáp nhập bán đảo Crimea trên bờ biển Đen của Ukraine.

 

Xe của quân đội Ukraine cháy đen do trúng pháo kích của phe ly khai. Ảnh: EPA
Xe của quân đội Ukraine cháy đen do trúng pháo kích của phe ly khai. Ảnh: EPA

 

Tiếp đó, nhiều khu vực thân Nga ở miền Đông Ukraine đòi ly khai, dẫn đến “chiến dịch chống khủng bố” của chính quyền Kiev từ tháng 4. Giao tranh đến nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 4.700 người ở miền Đông Ukraine, theo ước tính của Liên Hiệp Quốc.

Quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây băng giá nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Các biện pháp trừng phạt kinh tế được 2 bên tung ra, khiến kinh tế Nga trượt vào suy thoái trong khi châu Âu cũng gặp không ít khó khăn. Về phương diện quân sự, Nga và NATO không ngừng gầm ghè khiến các nước Đông Âu nhấp nhổm như ngồi trên lửa.

 

3. Malaysia Airlines và thảm họa kép (13%)

Chưa năm nào hàng không thế giới chứng kiến nhiều bi kịch như năm nay. Thiếu may mắn nhất chính là hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines với thảm họa kép: Chuyến bay MH370 biến mất từ ngày 8-3 và chuyến bay MH17 bị rơi ở miền Đông Ukraine hôm 17-7, khiến tổng cộng 537 người thiệt mạng và mất tích. MH370 trở thành một trong những bí ẩn lớn nhất khi 9 tháng tìm kiếm với sự tham gia của hàng chục quốc gia vẫn không tìm ra được dù là mảnh vỡ nhỏ nhất của máy bay. Còn bi kịch MH17 mở màn cho những tranh cãi không dứt về việc ai là thủ phạm bắn rơi máy bay, phe ly khai Ukraine hay quân đội Kiev?

 

Thân nhân của các hành khách trên chuyến bay MH370 kiệt sức vì chờ tin tại khách sạn ở Bắc Kinh - Trung Quốc hôm 14-3. Ảnh: Reuters

Thân nhân của các hành khách trên chuyến bay MH370 kiệt sức

vì chờ tin tại khách sạn ở Bắc Kinh - Trung Quốc hôm 14-3. Ảnh: Reuters

 

Tai nạn của chuyến bay QZ8501 của hãng AirAsia Indonesia cũng ít nhiều liên quan đến Malaysia bởi tập đoàn AirAsia của Malaysia là công ty mẹ. Chiếc máy bay rơi xuống biển cùng 162 người khép lại một năm quá buồn cho đất nước Malaysia.

 

4. Trung Quốc lấn lướt trên biển (11%)

Sự trỗi dậy của Trung Quốc đang khiến khu vực châu Á – Thái Bình Dương và cả thế giới bất an, đặc biệt là sự bành trướng trên biển. Tại biển Đông, từ tháng 5 đến tháng giữa tháng 7, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, lại còn ngang ngược sử dụng tàu thuyền cản trở lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam.

 

Tàu Trung Quốc hộ tống giàn khoan ngày 14-5. Ảnh: Reuters
Tàu Trung Quốc hộ tống giàn khoan ngày 14-5. Ảnh: Reuters

 

Bất chấp phản đối gay gắt của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc tiếp tục tung ra bản đồ 10 đoạn (thay vì 9 đoạn như trước), “liếm” vào sát bờ biển các nước Đông Nam Á. Nguy hiểm hơn nhiều là việc Trung Quốc đang cải tạo quy mô lớn trên biển Đông, biến các bãi đá ngầm hay đảo nhỏ thuộc 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (của Việt Nam) thành các đảo nhân tạo. Theo giới phân tích, hành động này mang mục đích quân sự với ý đồ chiếm quyền kiểm soát toàn bộ biển Đông.

Còn trên biển Hoa Đông, hục hặc giữa Trung Quốc và Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vẫn âm ỉ. Trong khi Hạ viện Mỹ chính thức thông qua nghị quyết chỉ trích hành động của Trung Quốc vào tháng 12, cộng đồng quốc tế bắt đầu cảnh giác hơn với tham vọng trên biển mà Bắc Kinh theo đuổi.

 

5. Mỹ - Cuba thỏa thuận bình thường hóa quan hệ (9%)

Trong một bước đi ngoại giao bất ngờ vào tháng cuối cùng của năm 2014, Mỹ và Cuba thỏa thuận tiến tới bình thường hóa quan hệ sau khi Washington cấm vận Havana hơn 50 năm. Thế giới ca ngợi đây là sự tan băng lịch sử trong khi nội bộ nước Mỹ còn nhiều mâu thuẫn, cụ thể là Đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ ra tay ngăn chặn. Nhiều người bắt đầu mơ về một sự đổi đời cho kinh tế Cuba nhưng giới phân tích tỉnh táo nhắc rằng thay đổi không thể đến trong một sớm một chiều.

 

Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay Chủ tịch Cuba Raul Castro  tại lễ tang cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela năm 2013. Ảnh: BBC
Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay Chủ tịch Cuba Raul Castro tại lễ tang cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela năm 2013. Ảnh: BBC

 

6. Giá dầu giảm mạnh (8%)

Giá dầu thô thế giới sụt giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong gần 5 năm qua, rớt xuống dưới 60 USD/thùng. Giá dầu sụt giảm đã tác động mạnh tới nhiều nền kinh tế, đặc biệt là các nước phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ như Nga, Venezuela, Iran…

Nguyên nhân chủ yếu là các nước giảm lượng tiêu thụ trong khi nguồn cung dồi dào hơn. Tuy nhiên, động cơ chính trị đã được tính tới như: Ả Rập Saudi muốn ghìm giá dầu để hạn chế ngành dầu khí đá phiến của Mỹ phát triển; Mỹ và Ả Rập Saudi bắt tay để trừng phạt Nga, Iran…

 

7. Đại dịch Ebola bùng phát (7%)

Dịch bệnh Ebola bùng phát ở khu vực Tây Phi làm hơn 7.500 người tử vong trong số gần 20.000 ca nhiễm bệnh. Sự lây lan nhanh chóng gây lo ngại trên toàn cầu. Các nỗ lực nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin phòng Ebola bước đầu cho kết quả tích cực nhưng vẫn bị đánh giá là chậm bước trước đà lây lan.

Theo Ngân hàng Thế giới, nếu lan rộng ra bên ngoài Guinea, Liberia, và Siera Leone, bệnh dịch Ebola có thể gây thiệt hại lên đến 32,6 tỉ USD cho khu vực Tây Phi vào năm 2015.

 

Đại dịch Ebola bùng phát là điểm nóng của năm 2014. Tạp chí Time đã chọn các y bác sĩ chống dịch là Nhân vật của năm. Ảnh: TIME
Đại dịch Ebola bùng phát là điểm nóng của năm 2014. Tạp chí Time đã chọn các y bác sĩ chống dịch là "Nhân vật của năm". Ảnh: TIME

 

8. Chiến tranh kinh tế Nga – phương Tây (7%)

Mỹ và các nước phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga do liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine và Nga cũng có hành động trả đũa. Các động thái này khiến số vốn chảy khỏi nền kinh tế Nga có thể lên tới 120 tỉ USD trong năm nay. Các biện pháp trừng phạt cộng với giá dầu sụt giảm đẩy đồng rúp xuống mức thấp kỷ lục và kinh tế Nga nhiều nguy cơ rơi vào suy thoái trong năm 2015.

 

Đồng rúp Nga liên tục phá đáy, mức mất giá tệ hại nhất trong 16 năm qua. Ảnh: EPA
Đồng rúp Nga liên tục phá đáy, mức mất giá tệ hại nhất trong 16 năm qua. Ảnh: EPA

 

9. Biểu tình đòi cải cách bầu cử ở Hồng Kông (4%)

Cuộc biểu tình đòi bầu đặc khu trưởng theo hình thức phổ thông đầu phiếu hạ màn vào tháng 12 sau hơn 2 tháng làm chủ đường phố Hồng Kông. Tuy kết quả đạt được chưa khả quan song đã kịp ghi dấu giới trẻ Hồng Kông – một lớp sinh viên, học sinh hiểu biết, dũng cảm, dám nghĩ dám làm, dám hành động để nắm bắt tương lai - trên sân khấu chính trị thế giới.

Những gương mặt trẻ trung như Joshua Wong (Hoàng Chi Phong), Alex Chow (Chu Vĩnh Khang)… đã sở hữu tiếng nói có trọng lượng trong khi Bắc Kinh bị cảnh báo có thể mất đi một thế hệ trẻ của Hồng Kông.

 

Hồng Kông hỗn loạn trong đêm 28-9. Ảnh: Reuters
Hồng Kông hỗn loạn trong đêm 28-9. Ảnh: Reuters

 

10. Chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc (3%)

Khởi động từ cuối năm 2012 khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền, chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” tại Trung Quốc không hề giơ cao đánh khẽ. Theo thời gian, số quan chức cấp cao bị phanh phui ngày càng nhiều, chấn động nhất là những cái tên: cựu Bí thư Thành ủy Bạc Hy Lai, cựu Phó chủ tịch Quân ủy trung ương Từ Tài Hậu, cựu ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang, cựu Chánh văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lệnh Kế Hoạch…

Tuy nhiên, cũng có ý kiến chống tham nhũng là bình phong cho những đấu đá trong nội bộ Bắc Kinh. Quá trình tập trung quyền lực của ông Tập Cận Bình cũng được thể hiện qua chiến dịch này.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo