xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghị lực phi thường của người sinh ra Obama (t.theo)

Theo Minh Long (VNE)

Khi con trai Barack Obama gần 2 tuổi, Ann quay trở lại Đại học Hawaii. Do tình hình tài chính eo hẹp, bà dành nhiều thời gian sưu tầm các phiếu mua hàng miễn phí và dựa vào bố mẹ để nuôi con

Chẳng bao lâu sau, bà quen biết với một sinh viên ngoại quốc nữa: Lolo Soetoro. Ông là người dễ gần, luôn cảm thấy vui sướng khi chơi cờ với bố của Ann và chơi đùa với Barack. Lolo cầu hôn Ann vào năm 1967 và bà đồng ý.

Ann và con trai dành nhiều tháng để chuẩn bị theo Lolo tới Indonesia. Họ chụp ảnh, làm hộ chiếu và mua vé máy bay. Tới tận lúc đó, hai mẹ con chưa từng rời khỏi nước Mỹ. Sau một chuyến bay dài, Ann và con trai đặt chân xuống một nơi mà bà chưa từng biết tới.

Ngôi nhà của Lolo tọa lạc ở vùng ngoại ô thủ đô Jarkarta. Nơi ấy chưa có điện, còn các đường phố chẳng có vỉa hè. Khi đó Indonesia đang trong giai đoạn quá độ dưới sự cai trị của tướng Suharto. Tỉ lệ lạm phát lên tới hơn 600% và mọi hàng hóa rất khan hiếm. Ann và Barack là hai người ngoại quốc đầu tiên sống ở khu vực này. Hai con cá sấu non, cùng với gà và chim thiên đường, chiếm sân sau của ngôi nhà. Để làm quen với lũ trẻ hàng xóm, Barack ngồi lên bức tường giữa ngăn cách giữa hai ngôi nhà rồi đập hai cánh tay và bắt chước tiếng quạ kêu. Hành động của cậu ấy khiến lũ trẻ nhà bên bật cười và thế là họ chơi với nhau. 

Hòa nhập cuộc sống nơi đất khách

Barack học tại một trường tiểu học thuộc nhà thờ Công giáo có tên Franciscus Assisi. Cậu khiến mọi người chú ý vì gốc gác Mỹ và thân hình mập mạp hơn hẳn những đứa trẻ bản xứ. Barack biết cách lảng tránh những hành động trêu chọc của những học sinh nghịch ngợm. Cậu ăn tào phớ, bánh tempeh (được làm từ đậu nành và bột gạo rồi cho lên men) như dân địa phương. Barack cũng đá bóng và hái ổi trên đường phố cũng lũ bạn da vàng. Cậu tỏ ra không bận tâm khi bị những đứa trẻ khác gọi là “Negro”.

Những ngày đầu Ann đưa tiền cho tất cả những người ăn mày dừng lại trước cửa. Tiếng lành đồn xa và số lượng người hành khất tìm tới ngày càng tăng, buộc Ann phải thu hẹp đối tượng bố thí. Bà ưu tiên những đứa trẻ mất chân tay và người bị hủi. Lolo thường trêu bà về kiểu thương người “có chọn lọc” ấy. “Mẹ của con có một trái tim nhân hậu”, ông nói với Barack như vậy.

Trong lúc Ann ngày càng tỏ ra cảm thông sâu sắc với người dân Indonesia thì chồng bà ngày càng trở nên “Tây hóa”. Ông nhanh chóng chinh phục nhiều nấc thang quản lý trong một công ty dầu mỏ Mỹ và chuyển nhà tới một nơi đẹp hơn. Ann tỏ ra không vui khi Lolo đưa bà tới những bữa tiệc do công ty tổ chức, nơi các quý ông Mỹ khoe khoang về những đường golf điệu nghệ còn các quý bà phàn nàn về người giúp việc bản xứ. Hai người hiếm khi cãi cọ nhưng ngày càng trở nên xa cách.

Ann nhận dạy tiếng Anh tại sứ quán Mỹ. Hàng ngày bà vào phòng con trai từ 4 giờ sáng để dạy tiếng Anh cho cậu. Ann làm thế vì gia đình không đủ tiền cho Barack học tại một trường quốc tế danh tiếng. Sau hai năm học tại trường tiểu học của nhà thờ, Barack chuyển tới một trường tiểu học gần nhà mới. Tại đây cậu là học sinh ngoại quốc duy nhất.

Indonesia là quốc gia có số người theo đạo Hồi lớn nhất thế giới, nhưng gia đình của Barack lại không theo bất kỳ tôn giáo nào. “Mẹ tôi là một trong những người tin vào tâm linh nhất mà tôi từng biết, nhưng bà không tin tưởng các chính thể tôn giáo. Sự hoài nghi của bà không xuất phát từ cảm tính, mà dựa trên nhiều cơ sở khoa học. Về điểm này tôi cũng chịu ảnh hưởng của mẹ”, Barack nói như vậy trong một bài phát biểu vào năm 2007.

Theo cách riêng của mình, Ann cố gắng tạo điều kiện để con trai tiếp xúc với những người cùng màu da. Vào buổi tối, bà trở về nhà với những cuốn sách về các phong trào đấu tranh vì nhân quyền và những băng nhạc của Mahalia Jackson. Quan điểm về hòa hợp chủng tộc của Ann rất đơn giản. “Mẹ tôi tin rằng, về cơ bản thì con người ta bình đẳng dưới mọi màu da, rằng mọi sự cố chấp về chủng tộc là sai trái”, Barack kể. Ann cũng mua cho cô con gái Maya Kassandra Soetoro (chào đời vào năm 1970) những con búp bê đủ màu sắc với hi vọng cô sẽ yêu mến tất cả màu da.

img
Gia đình của Barack Obama ở Indonesia. Ảnh: obamamagazine.com

Trở về Hawaii

Năm 1971, khi Barack được 10 tuổi, Ann đưa con về Hawaii để cậu sống cùng ông bà ngoại. Tại đây cậu học tại Punahou, một trường trung học cơ sở danh tiếng. Nhờ sự giúp đỡ của ông bà ngoại mà Barack được nhận học bổng của trường. Quyết định táo bạo này cho thấy Ann hiểu rõ tầm quan trọng của giáo dục. Các bạn của Ann cho biết bà không muốn sống xa con, vì thế mà bà rơi vào tâm trạng giằng xé khi cân nhắc việc đưa con trở lại Mỹ. Trong cuốn tự truyện, Barack nói về cảm giác của ông như sau: “Tôi không cảm thấy việc sống xa mẹ là một mất mát, nhưng rõ ràng tác động của nó lớn hơn tôi tưởng”.

Một năm sau, Ann cũng quay trở lại Hawaii cùng cô con gái. Bà đăng ký một chương trình đào tạo thạc sĩ nhân chủng học tại Đại học Hawaii với mục đích duy nhất: nghiên cứu người Indonesia.

Indonesia là mảnh đất thần tiên đối với ngành nhân chủng học. Đất nước này được tạo nên từ 17.500 hòn đảo, với 230 triệu người và hơn 300 ngôn ngữ. Văn hóa của quần đảo là sự pha trộn của đạo Phật, đạo Hindu, đạo Hồi và các nét văn hóa truyền thống của Hà Lan.

Vào thời gian đó, Ann bắt đầu tìm thấy điểm mạnh của bản thân. Những người biết bà trước đó miêu tả bà là trầm tính và thông minh, nhưng những người mới biết thì dùng những từ như “thẳng thắn”, “quyết đoán” và “sôi nổi”. Vào thời gian Ann chuẩn bị làm luận án, thế giới có nhiều biến động có lợi cho ngành nhân chủng học. “Các đế quốc liên tục mất thuộc địa do làn sóng đấu tranh giành độc lập, các nước mới giành độc lập cần sự giúp đỡ. Những trào lưu đó thu hút sự chú ý của nhiều nhà nhân chủng học”, Alice Dewey, một bạn học cùng chương trình thạc sĩ với Ann, nhớ lại.

img
Barack Obama và các bạn trong đội bóng rổ của trường Punahou. Ảnh: obamamagazine.com

Chấm dứt cuộc hôn nhân thứ hai

Lolo thường xuyên tới Hawaii thăm vợ, nhưng sự xa cách về tình cảm của họ không thể hàn gắn được nữa. Ann nộp đơn ly hôn vào năm 1980, sau đó bà liên lạc với Lolo thường xuyên nhưng không đòi hỏi tiền cấp dưỡng hay hỗ trợ nuôi con. Vậy là sau mỗi cuộc hôn nhân, Ann lại có một đứa con và hiểu thêm một đất nước.

Sau 3 năm sống cùng hai con trong một căn hộ nhỏ ở Honolulu và trang trải cuộc sống bằng học bổng, Ann quyết định quay trở lại Indonesia để làm luận án tiến sĩ. Barack, lúc đó 14 tuổi, nói rằng cậu sẽ ở lại Hawaii vì đã mệt mỏi với việc thay đổi chỗ ở. Ann không tranh cãi với con.

Tại Indonesia, Ann nói đùa với những người bạn rằng con trai bà dường như chỉ quan tâm tới bóng rổ. “Cô ấy thất vọng vì cho rằng cậu con trai không quan tâm tới các vấn đề xã hội”, Richard Patten, một người bạn của Ann, nhớ lại. Ann bắt đầu dùng cái tên Soetoro. Bà làm việc cho một chương trình hỗ trợ phụ nữ và người thất nghiệp của quỹ Ford và luôn có những bài phát biểu mạnh mẽ tại các cuộc họp. Không giống những người ngoại quốc khác, Ann dành rất nhiều thời gian để viếng thăm các làng, ghi nhận những nguyện vọng và khó khăn của họ. Bà đặc biệt quan tâm tới phụ nữ.

“Bà ấy thường xuyên tới các khu chợ trên đảo Java để ngắm nhìn những phụ nữ đeo những chiếc giỏ nặng trĩu trên lưng và thức dậy từ 3 giờ sáng để ra chợ bán hàng. Ann nghĩ quỹ Ford nên gần gũi hơn với người dân và tăng khoảng cách với chính quyền”, Mary Zurbuchen, một người bạn của Ann tại Jakarta, nhớ lại.

Ngôi nhà của Ann trở thành nơi tụ họp của các nhân vật đầy quyền lực và có ảnh hưởng lớn: chính trị gia, nhà làm phim, nhạc sĩ và lãnh đạo công đoàn. So với nhiều đồng nghiệp, Ann có sức thu hút lớn hơn. Bà có thể đưa những người chẳng ưa gì nhau vào một cuộc nói chuyện.

Tiếp tục nỗ lực không ngừng vì người nghèo

Di sản lớn nhất mà Ann để lại cho người dân Indonesia là một chương trình tín dụng vi mô mà bà góp phần gây dựng từ năm 1988 tới 1992. Richard Patten, lúc đó làm việc tại ngân hàng Nhân dân Indonesia (chuyên cho người nghèo vay những khoản tiền nhỏ để làm ăn) với tư cách là chuyên gia kinh tế, khẳng định rằng công trình nghiên cứu của Ann về cách thức làm việc của người lao động nghèo giúp ngân hàng này rất nhiều trong việc đề ra các chính sách.

“Tôi dám nói rằng đề tài nghiên cứu của bà ấy có vai trò to lớn đối với sự thành công của chương trình tín dụng vi mô. Xét về số lượng người gửi tiền thì chương trình tín dụng vi mô của Indonesia đứng đầu thế giới với 31 triệu người”, Richard Patten nói.

Trong lúc Ann nỗ lực giúp đỡ người nghèo tại Indonesia thì Barack cũng cố gắng làm một điều gì đó tương tự ở Chicago (cách Indonesia khoảng 11.300 km). Cậu luôn đóng vai trò là người tổ chức các hoạt động mang tính cộng đồng. Bạn bè của Ann kể lại rằng bà rất vui khi biết các hoạt động của con trai và liên tục kể về cậu. Họ biết tên trường mà Barack học và những thành tích của cậu.

Trong những năm giữa thập niên 1980, Ann còn tới Pakistan để hỗ trợ dự án thành lập hệ thống tín dụng vi mô dành cho người nghèo tại đất nước Nam Á này. Bà và Maya không nhớ nổi họ từng sống trong garage xe hơi và nhà của bạn bè bao nhiêu lần. Ann thích sưu tầm đồ vật gắn liền với các chuyến đi hoặc câu chuyện mà bà hiểu, như dao găm cổ xưa của người dân trên đảo Java, mũ rơm. Trước khi quay trở lại Hawaii vào năm 1984, bà viết thư cho người bạn học Alice Dewey: “Có lẽ chúng tôi cần một con lạc đà hoặc voi để thồ đồ đạc ra máy bay và tôi dám chắc rằng các nhân viên hải quan ở sân bay sẽ chết ngất khi nhìn thấy những thứ mà chúng tôi mang theo”.

Năm 1992, Ann hoàn thành luận văn tiến sĩ sau gần hai thập kỷ theo đuổi. Với hơn 1.000 trang, công trình của bà phân tích tỉ mỉ công việc của những người thợ rèn tại Indonesia. Phần chú giải gồm 24 trang và Ann nói rằng “đó chưa phải là tất cả những gì tôi muốn giải thích”. Ở trang đầu, bà gửi lời cảm ơn tới Alice Dewey vì đã tư vấn cho bà. Ann cũng cảm ơn Barack và Maya, những đứa con chẳng bao giờ phàn nàn khi mẹ thường xuyên lặn lội tới những nơi nghèo khó và hẻo lánh.

img
Ann chụp ảnh cùng bố, Barack và Maya tại Hawaii. Ảnh: chicagotribune.com

Những ngày cuối cùng của cuộc đời

Mùa thu năm 1994, trong lúc ăn tối tại nhà chuyên gia kinh tế Richard Patten ở Jakarta, Ann cảm thấy đau ở vùng bụng. Một bác sĩ địa phương chẩn đoán bà mắc bệnh ở đường tiêu hóa. Vài tháng sau Ann trở lại Hawaii và phát hiện ra rằng bà bị ung thư buồng trứng và tử cung. Nữ tiến sĩ nhân chủng học qua đời vào ngày 7-10-1995 ở tuổi 52.

Trước khi từ trần, Ann đọc một trang trong nhật ký của Barack và thấy con trai hầu như chỉ nói về người bố ruột. Một số bạn bè tỏ ra ngạc nhiên về điều này, song Ann không tỏ ra phiền lòng. Bà nói với họ rằng đó là điều Barack nên làm.

Barack tâm sự rằng sai lầm lớn nhất của ông là không có mặt bên cạnh mẹ khi bà qua đời. Ông tới Hawaii để cùng ông bà ngoại rắc tro cốt của mẹ trên Thái Bình Dương. Sau đó ông mang theo tinh thần của bà trong chiến dịch vận động tranh cử. Khi Barack cười, người ta nhìn thấy một phần hình dáng của Ann trên khuôn mặt ông, bởi kiểu cười của ông giống hệt người mẹ đã mất.

Sau khi Ann qua đời, cô con gái Maya xới tung những đồ vật mà bà thu thập với hy vọng tìm thấy cuốn nhật ký hay một thứ gì đó lưu giữ những kỷ niệm của bà. Cuối cùng, cô tìm thấy hai trang nhật ký, ngoài ra không còn thứ gì khác. Có lẽ Ann không có nhiều thời gian, cũng có thể các hóa chất để trị ung thư đã khiến bà không đủ sức viết nữa. “Có thể mẹ tôi không viết được vì tâm trí của bà bị tràn ngập bởi quá nhiều cảm xúc. Chắc chắn bà có nhiều điều muốn nói với những người ở lại”, Maya nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo