xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghi vấn quanh cái chết của Bin Laden

VĂN ANH

Chung quanh cái chết của trùm khủng bố Osama Bin Laden có nhiều câu hỏi khiến người ta bán tín bán nghi. Chẳng hạn như tại sao Mỹ vẫn chưa công bố hình ảnh tử thi của Bin Laden?

Tính đến ngày hôm qua, 3-5, chính quyền Mỹ vẫn chưa công bố chính thức hình ảnh tử thi của Bin Laden bị biệt kích Mỹ bắn chết ở Pakistan hôm chủ nhật. Cũng chưa ai thấy cảnh thủy táng tay trùm khủng bố này thực hiện trên biển Ả Rập mà các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định rằng có quay phim đàng hoàng.
 
img
Tấm ảnh xuất hiện đầu tiên trên đài truyền hình Geo TV và phần ảnh dưới bị ghép khá lộ liễu. Ảnh: AFP

Đang cân nhắc

Theo lời một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ giấu tên, có nhiều tấm ảnh chụp xác chết của Bin Laden nhưng chưa thể công bố.

Tấm ảnh chụp cái đầu của Bin Laden trông rất rùng rợn vì thấy cả óc. Một viên đạn của biệt kích Mỹ thuộc lực lượng SEAL đã phá hủy hốc mắt trái, làm vỡ tung một phần hộp sọ. Tay trùm khủng bố này còn bị trúng đạn ở phần ngực trong khi chống trả biệt kích Mỹ.

Hãng tin AFP cho biết hôm 2-5, Nhà Trắng khẳng định rằng chưa thể chọn được thời điểm thuận tiện để công bố những bức ảnh chứng minh rằng Bin Laden đã chết thật sự, theo yêu cầu của Quốc hội Mỹ.

John Brennan, cố vấn chống khủng bố của Tổng thống Barack Obama, tuyên bố trong một cuộc họp báo tại Washington: “Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để mọi người không thể chối cãi rằng chúng tôi đã tiêu diệt được Osama Bin Laden. Chỉ có điều, chúng tôi đang cân nhắc việc phổ biến thông tin, trong đó có hình ảnh”.

Sáng thứ hai (2-5), sau một đêm phấn khởi với kẻ thù số một của Mỹ là Osama Bin Laden đã bị tiêu diệt, nhiều nghị sĩ Mỹ yêu cầu sớm đưa ra hình ảnh chứng minh điều này nhưng tỏ ra thông cảm với chính phủ.

Thượng nghị sĩ Carl Levin, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng Thượng viện, tuyên bố rằng cần phải công bố các bức ảnh. Ông bức xúc: “Tôi nghĩ rằng đến một lúc nào đó, sẽ phải công bố ảnh. Tôi không biết là chừng nào nhưng tôi tin chắc là nó sẽ được công bố và phải được công bố”.

Ông Levin tỏ ra hoàn toàn thông cảm với chính phủ khi ông cho rằng hiện giờ phải trì hoãn do “chờ các phản ứng (trả thù Mỹ) tạm lắng xuống”.
Joe Lieberman, một thượng nghị sĩ độc lập, Chủ nhiệm Ủy ban An ninh Nội địa, cho biết thêm: “Việc phổ biến các bức ảnh - cho dù có rùng rợn cỡ nào vì Bin Laden bị bắn vỡ sọ - là cần thiết để bác bỏ mọi ý nghĩ cho rằng đó là một trò quỷ quyệt của chính quyền Mỹ”. Ông Lieberman nhấn mạnh rằng nhất thiết phải thuyết phục dư luận rằng người bị giết ở Pakistan chính là Bin Laden.

Giải thích lý do làm cho chính quyền ông Obama cân nhắc thiệt hơn, hãng tin AP cho rằng các quan chức Nhà Trắng sợ trưng hình ảnh ngay bây giờ sẽ thổi bùng lòng căm phẫn của các tín đồ Hồi giáo dẫn đến những vụ tấn công trả thù đẫm máu.

Báo chí bị lừa

Sáng sớm thứ hai (2-5), một tấm ảnh cho thấy gương mặt một người chết được cho là của Osama Bin Laden đã xuất hiện đồng loạt trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng quốc tế từ Mỹ đến Pakistan, kể cả những “ông lớn” trong giới truyền hình như BBC và CNN, như là một bằng chứng về cái chết của Bin Laden.

Tuy nhiên, lúc 6 giờ cùng ngày, Andy Carvin, một phóng viên của đài phát thanh Mỹ NPR (phát thanh công cộng Mỹ) khẳng định trên trang mạng Twitter rằng đó là ảnh giả. Nó đã được phát tán trên mạng internet từ tháng 11-2010. Lập tức, đài BBC và CNN ngưng phát ảnh.

Tại Pháp, BFM TV là trang tin trực tuyến đầu tiên đăng tấm ảnh giả này với chú thích “Người Mỹ vừa công bố bằng chứng bằng hình ảnh” về cái chết của Bin Laden mà không nói rõ ảnh lấy từ nguồn Pakistan chứ không phải từ nguồn Mỹ.

Hervé Béroud, Tổng Thư ký BFM TV, giải thích: “Không may là chúng tôi không có điều kiện kiểm tra ngay lập tức khi lấy lại tấm ảnh phát trên đài truyền hình Pakistan. Từ 10 giờ, sau khi tham khảo các đài truyền hình Mỹ, chúng tôi bắt đầu nghi ngờ và rút tấm ảnh xuống”.

Cũng 10 giờ, Francois Bougon, phóng viên hãng tin AFP, lưu ý các đồng nghiệp Pháp rằng đó là ảnh giả, ghép bằng phần mềm photoshop. Hai giờ sau, hãng tin AFP chính thức đưa tin: “Một chuyên viên phần mềm đã chứng minh rằng tấm ảnh đã bị làm giả. Râu và phần dưới của gương mặt lấy từ một tấm ảnh cũ của Bin Laden”. Mladen Antonov, Trưởng Ban Biên tập ảnh của AFP, cho biết: “Phần râu mờ cho thấy rõ ràng đó là một tấm ảnh ghép”.

Thật vậy, theo Le Post, nếu phóng lớn tấm ảnh, người ta thấy có sự khác biệt rõ ràng giữa phần trên và phần dưới gương mặt người chết. Người ta đã dán một phần gương mặt (miệng, cằm và râu) của Bin Laden trên gương mặt một người chết khác. Chất lượng ảnh ghép không được tốt lắm vậy mà không hiểu tại sao các cơ quan báo chí Pháp bị lừa một cách dễ dàng.

Cùng ngày, đài truyền hình trực tuyến Mỹ MSNBC xác định: “Không có bất cứ quan chức Mỹ hay Pakistan nào xác nhận tính chân thật của tấm ảnh. Hai quan chức Mỹ đã thông báo cho kênh NBC News biết rằng đó là một “trò lừa đảo”.

Rana Jawad, trưởng văn phòng tại Islamabad của Geo TV, đài truyền hình được khán giả Pakistan xem nhiều nhất, giải thích với AFP: “Khi phát tấm ảnh này trên sóng, chúng tôi có nói rõ chưa thẩm định về tính chân thật. Và sau khi kiểm tra thấy nó đã xuất hiện trên internet từ năm 2009 thì chúng tôi ngưng phát hình ngay”.

Kỳ tới: Vì sao phải thủy táng?
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo